A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị phát triển thị trường lúa gạo tỉnh Thái Bình năm 2023

Sáng ngày 02/03/2023, tại khách sạn Dầu khí, UBND tỉnh Thái Bình tổ chức “Hội nghị phát triển thị trường lúa gạo tỉnh Thái Bình năm 2023”

Dự Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đặng Thanh Giang, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh; Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu; Lê Hoàng Tài, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương); Nguyễn Quý Dương, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương, các doanh nghiệp, hợp tác xã, thương nhân phân phối trong và ngoài tỉnh dự hội nghị.

Đồng chí Nguyễn Khắc Thận - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tham quan khu trưng bày các sản phẩm lúa gạo tỉnh Thái Bình

Phát biểu tại hội nghị Đồng chí Trần Huy Quân - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Thái Bình là tỉnh có diện tích gieo cấy lúa lớn trong khu vực Đồng bằng sông Hồng với diện tích 155.000 ha, sản lượng thóc đạt khoảng 1,0 triệu tấn/năm, trong đó khoảng 40% sản lượng tiêu thụ tại tỉnh và 60% bán trong nước và nước ngoài. Cơ cấu giống lúa đang được chuyển đổi mạnh theo hướng tăng nhanh giống lúa chất lượng cao như Giống Đài Thơm 8, Bắc Thơm, Japonica và các giống cổ truyền ở đại phương như Nếp Bể, Nếp Tam Xuân, lúa Hom… với tỷ lệ giống chất lượng cao trung bình toàn tỉnh đạt trên 40%.

Đồng chí Trần Huy Quân - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công Thương phát biểu tại hội nghị

Trong thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành một số chương trình, đề án, kế hoạch phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu như: Đề án đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch thực hiện quyết định 1163/QĐ-TTg ngày 13/07/2021 của Thủ tướng Chính Phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045….

Trong công tác phát triển thị trường trong nước, Sở Công thương đã phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ, hợp tác chặt chẽ với các tổ chức xúc tiến của các tỉnh bạn, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp liên quan triển khai, tổ chức thường xuyên, liên tục các chương trình xúc tiến thương mại; mở rộng kênh phân phối truyền thống và hiện đại; củng cố, đẩy mạnh, đa dạng hóa thị trường như: Tham gia các hội chợ triển lãm tổng hợp và chuyên ngành trong nước và quốc tế; tổ chức các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, phát triển điểm bán hàng Việt, OCOP tại các siêu thị như Siêu thị Go/ Big C, Winmart…; cải tạo nâng cấp chợ truyền thống; hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử qua các Sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada,.. để quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm qua kênh trực tuyến; tổ chức thành công Hội nghị kết nối cung cầu đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp tiêu biểu vào tháng 09/202,… Từ đó góp phần thiết thực tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phục hồi kinh tế sau đại dịch trong đó có ngành hàng lúa gạo.

Công tác phát triển thị trường xuất khẩu cũng luôn được tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện: Năm 2022, tổ chức các cuộc xúc tiến thương mại đầu tư tại một số nước như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, một số nước EU…

Trong thời gian sắp tới, cần chú trọng thực hiện đồng bộ các giải pháp về sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm: Tiếp tục các cơ chế, chính sách, chương trình, kế hoạch đã ban hành liên quan tới việc phát triển sản xuất và kinh doanh tiêu thụ sản phẩm lúa gạo; nghiên cứu xây dựng, phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển thương hiệu lúa gạo tỉnh Thái Bình; lựa chọn phát triển các giống lúa đặc sản và bản địa có chất lượng cao, bổ sung cơ cấu giống mới, áp dụng quy trình thực hành sản xuất tốt, tăng cường công tác chế biến bảo quản, đóng gói sản phẩm gạo phù hợp với yêu cầu thị trường; phát triển, cải tạo, nâng cấp hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh, các điểm bán hàng Việt, OCOP, cải tạo mạng lưới chợ phục vụ người dân kinh doanh, mua sắm hàng ngày; triển khai các hoạt động kết nối cung cầu; hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu sản phẩm, đẩy mạnh cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Ông Trần Mạnh Báo, CEO của Tập đoàn ThaiBinh Seed phát biểu tại hội nghị

Ông Trần Mạnh Báo, CEO của Tập đoàn ThaiBinh Seed phát biểu tại hội nghị: ThaiBinh Seed là doanh nghiệp hơn 50 năm hoạt động trong ngành nông nghiệp, có uy tín trên thị trường với các thương hiệu gạo nổi tiếng như Nếp Vàng, A Sào, Tám Thơm Tiền Hải, Nhất Hương, Sông Vàng, TBR39,… Trong những năm tới đây, công ty cũng đặt những hoạt động cụ thể nhằm đóng góp vào việc phát triển thị trường lúa gạo của tỉnh nói chung: Cung cấp giống lúa chất lượng; tổ chức quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu gạo phù hợp để đạt được chất lượng gạo ngon; đầu tư xây dựng chế biến lúa gạo hiện đại; xây dựng và làm thương hiệu, marketing, quảng bá sản phẩm một cách bài bản,… Công ty cũng mong muốn tỉnh hỗ trợ, tạo điều kiện giúp ThaiBinh Seed xây dựng vùng nguyên liệu cho sản xuất lúa giống hàng hóa và nguyên liệu cho nhà máy chế biến gạo chất lượng cao; hỗ trợ các hợp tác xã và hộ nông dân tham gia vùng sản xuất nguyên liệu; chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp sang đất xây dựng làm nhà máy; đặc biệt các Bộ, ngành liên quan hỗ trợ xây dựng và quảng bá thương hiệu nông sản Thái Bình, xây dựng sàn thương mại điện tử, tăng cường xúc tiến thương mại, là cầu nối để giao thương thương mở rộng thị trường trong và ngoài nước, hỗ trợ ThaiBinh Seed xây dựng các sản phẩm gạo mang thương hiệu gạo Thái Bình.

Đồng chí Phan Văn Chinh- Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu phát biểu tại hội nghị

Đồng chí Lê Hoàng Tài- Phó cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) phát biểu tại hội nghị

Đồng chí Nguyễn Quý Dương- Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Khắc Thận – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Định hướng phát triển Thái Bình xác định Nông nghiệp là trụ cột phát triển rất quan trọng của nền kinh tế tỉnh song song với phát triển công nghiệp.  Đây cũng là lần đầu tiên tỉnh tổ chức Hội nghị chuyên đề này, thông qua hội nghị, đồng chí mong muốn các chuyên gia, các nhà làm quản lý, các doanh nghiệp cùng bàn bạc và hành động để phát triển thương hiệu lúa gạo Thái Bình trong thời gian tới trong khi tỉnh có nhiều tiềm năng, có đất đai, có truyền thống thâm canh.

Đồng chí cũng đề nghị các sở ngành, địa phương tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu, trên cơ sở đó, tham mưu cho tỉnh triển khai các giải pháp phát triển lúa gạo của tỉnh Thái Bình cũng như mở rộng thị trường lúa gạo ra nhiều nước trên thế giới

Tại hội nghị, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thái Bình cùng lãnh đạo các cục của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đại biểu đã chứng kiến các nhà sản xuất và nhà phân phối ký kết hợp tác, tiêu thụ sản phẩm lúa, gạo của tỉnh./.

Lễ ký kết hợp tác và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo tỉnh Thái Bình


Tác giả: Trần Lan - Ánh Ngọc
Nguồn:socongthuong.thaibinh.gov.vn Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết