Cục Quản lý thị trường tỉnh: Nòng cốt trong hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Là cơ quan thường trực của Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh, thời gian qua, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng (NTD), góp phần xây dựng môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh, giúp doanh nghiệp phát triển.
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra hoạt động kinh doanh rượu ngoại - một trong những mặt hàng dễ xảy ra nhập lậu, gian lận thương mại.
Từ nguồn tin báo của nhân dân, thực hiện chỉ đạo của Cục QLTT tỉnh, ngày 7/4/2020, Đội QLTT số 2 phối hợp với Sở Công Thương tiến hành thẩm tra, xác minh và kiểm tra cửa hàng xăng dầu Vô Hối (Thái Thụy) vì có dấu hiệu vi phạm trong hoạt động kinh doanh. Kết quả kiểm tra, cửa hàng thừa nhận có thực hiện bán lẻ xăng dầu cao hơn giá niêm yết do thương nhân phân phối quy định. Cục trưởng Cục QLTT tỉnh đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với cửa hàng xăng dầu Vô Hối 40.119.000 đồng nộp ngân sách nhà nước. Ngày 8/9/2020, Đội QLTT số 6 tiến hành kiểm tra đột xuất cửa hàng tiện ích Linh Dương, phường Tiền Phong, thành phố Thái Bình, xác định cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu và vi phạm về nhãn hàng hóa đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 13.750.000 đồng nộp ngân sách nhà nước, buộc tiêu hủy tại chỗ 300 hộp mỹ phẩm nhãn hiệu Neogen nhập lậu, tổng trị giá hàng hóa 15.000.000 đồng.
Đó là 2 trong nhiều vụ vi phạm mà lực lượng QLTT đã điều tra, phát hiện và xử lý từ nguồn tin tố giác tội phạm của NTD trong năm qua. Ông Nguyễn Văn Nghiên, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh cho biết: Năm 2020, Cục tiếp nhận và xử lý 14 vụ việc theo phản ánh của NTD qua đường dây nóng và đơn thư khiếu nại, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính nộp ngân sách nhà nước 212.619.000 đồng. Ngoài ra, chúng tôi còn tịch thu, tiêu hủy, xử lý 41 đôi giày, dép giả nhãn hiệu Nike, Adidas; 300 hộp mỹ phẩm nhãn hiệu Neogen, 48 hộp sơn móng tay nhãn hiệu Kalie, 18 hộp sơn móng tay nhãn hiệu Aimini, 500 chai nước rửa tay khô Osama Cico.
Bên cạnh việc kiểm tra, xử lý theo thông tin tố giác tội phạm của quần chúng, Cục QLTT tỉnh còn chỉ đạo các phòng, đội QLTT tập trung lực lượng bám cơ sở, nắm chắc tình hình và kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Năm 2020, lực lượng QLTT đã kiểm tra 2.859 vụ, xử lý 901 vụ vi phạm, phạt tiền nộp ngân sách nhà nước 4.494.296.000 đồng; tịch thu hàng hóa tang vật vi phạm tổng trị giá ước tính gần 63 triệu đồng; trị giá hàng hóa vi phạm áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả buộc tiêu hủy hoặc các biện pháp khác gần 133 triệu đồng. Với sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng QLTT, NTD không bị “tiền mất tật mang” khi trở thành nạn nhân của tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Theo lãnh đạo Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh, thời gian qua, Cục QLTT tỉnh đã tích cực tham mưu cho Hội ban hành nhiều văn bản triển khai, hưởng ứng ngày Quyền người tiêu dùng Việt Nam (15/3); triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2020; lập danh sách các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đăng ký tham gia chương trình “Sản phẩm người tiêu dùng tin cậy năm 2020” gửi Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam... Cục QLTT tỉnh triển khai nhiều hoạt động thiết thực góp phần xây dựng Hội vững mạnh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NTD.
Song song với thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường, Cục QLTT tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tới các tầng lớp nhân dân, nhất là các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh bằng nhiều hình thức. Cục QLTT tỉnh phối hợp với Sở Công Thương tổ chức gian hàng trưng bày hàng thật, hàng giả đối chứng và tư vấn kiến thức tiêu dùng tại hội chợ nông nghiệp quốc tế đồng bằng Bắc Bộ, giúp NTD có kỹ năng phân biệt hàng thật, hàng giả để tự bảo vệ mình và tham gia phối hợp với các cơ quan chức năng đấu tranh với các đối tượng cố tình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.
Khắc Duẩn