Nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi doanh nghiệp đầu tư dự án nước sạch nông thôn
Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn là một trong những tiêu chí quan trọng trong chương trình xây dựng nông thôn mới, luôn được các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở đặc biệt quan tâm, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Trước đây, UBND tỉnh chưa có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí xây dựng các công trình cấp nước sạch nông thôn, nguồn vốn chủ yếu từ Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, vốn vay Ngân hàng Thế giới và doanh nghiệp đầu tư. Song nguồn vốn này không đáp ứng đủ nhu cầu thực tế.
Kiểm tra, vận hành hệ thống xử lý nước sạch tại Nhà máy nước sạch Quỳnh Giao. |
Để giải quyết những khó khăn trên, UBND tỉnh đã xác định bước đi cụ thể, đặc biệt là việc ban hành Quyết định số 12/2012/QĐ-UBND và Quyết định số 19/2014/QĐ-UBND về chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư và quản lý, khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn. Đây là bước đột phá, thu hút các dự án, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án cung cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí giải phóng mặt bằng xây dựng công trình đầu mối; hỗ trợ riêng đối với từng loại đầu tư với mức 3 triệu đồng/m3/ngày đêm với dự án đầu tư xây dựng mới; 2 triệu đồng/m3/ngày đêm với dự án đầu tư nâng cấp mở rộng công suất và 1,5 triệu đồng/m3/ngày đêm đối với dự án đầu tư mở rộng phạm vi cấp nước. Bên cạnh đó, nhà đầu tư còn được ngân sách tỉnh hỗ trợ 50% lãi suất tiền vay để đầu tư tài sản cố định trong 3 năm đầu kể từ ngày vay vốn; hỗ trợ 70% kinh phí đào tạo nghề trong nước... Việc cấp kinh phí hỗ trợ được thực hiện một hoặc nhiều lần theo khả năng nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh nhưng không quá 3 năm kể từ khi hoàn thành toàn bộ việc đầu tư dự án. Những cơ chế, chính sách cụ thể này đã mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp, tăng khả năng hưởng lợi của người dân. Nếu như từ năm 2000 đến năm 2011 toàn tỉnh chỉ có 4 công trình do doanh nghiệp đầu tư thì sau khi Quyết định số 12 và Quyết định số 19 của UBND tỉnh được triển khai toàn tỉnh đã thu hút được 34 dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch nông thôn (22 dự án đầu tư mới, 12 dự án đầu tư nâng cấp mở rộng công suất), tổng công suất đăng ký khoảng 207.736m3/ngày đêm, phục vụ sinh hoạt cho khoảng 1,2 triệu người trên địa bàn 175 xã. Tổng mức đầu tư dự kiến của các dự án nước sạch trên khoảng 2.122 tỷ đồng, trong đó đã có 27 dự án được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư, 1 dự án đã thẩm tra, đang trình cấp giấy chứng nhận đầu tư, 6 dự án nhà đầu tư đang hoàn thiện hồ sơ để gửi về Bộ phận một cửa liên thông của tỉnh. Trong 27 dự án được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư đã có 10 dự án đi vào hoạt động, đủ điều kiện cấp nước phục vụ nhân dân. Bên cạnh việc đầu tư của các doanh nghiệp, hiện nay trên địa bàn tỉnh còn có 26 công trình cấp nước sạch đang chuyển nhượng, trong đó có 19 công trình được xây dựng từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới, 4 công trình sử dụng nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia đã hoàn thành phê duyệt quyết toán.
Phạm Hưng
“Đến nay, chương trình nước sạch nông thôn của tỉnh đã thu hút nhiều doanh nghiệp và các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, từng bước hình thành thị trường kinh doanh nước sạch ở khu vực nông thôn. Để hoàn thành mục tiêu hết năm 2015 100% các xã có nước sạch, thời gian tới, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư tiếp cận vốn vay ngân hàng, tháo gỡ vướng mắc về thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục liên quan đến đất đai, đê điều, khai thác nước mặt. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát đầu tư, kiên quyết thu hồi giấy phép đầu tư các dự án chậm tiến độ”. (Ông Phạm Văn Dụng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư) |
Ông Hoàng Văn Lai, Phó Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH Một thành viên Kinh doanh nước sạch Thanh Sơn tại Thái Bình | Trong quá trình xây dựng Nhà máy nước sạch Quỳnh Giao, Công ty đã được các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ trong công tác giải phóng mặt bằng để bàn giao cho đơn vị thi công. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 115 tỷ đồng, cấp nước cho 103.000 nhân khẩu của 16 xã trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ. Đến nay, Dự án đã hoàn thành đơn nguyên 1 với công suất thiết kế 9.500m3/ngày đêm, đủ điều kiện cấp nước cho 16 xã từ tháng 10/2014. Công ty hiện đang tiếp tục triển khai đấu nối tại 3 xã Quỳnh Hưng, Quỳnh Xá và Quỳnh Hoàng. Tuy nhiên, hiện nay Công ty đang gặp khó khăn do tỷ lệ người dân các xã sử dụng nước sạch rất thấp, vì vậy Công ty đề nghị UBND tỉnh cho phép tạm dừng hoặc điều chỉnh tiến độ thực hiện đầu tư cấp nước cho 7 xã còn lại. Vừa qua, Công ty đã nhận được hỗ trợ lần 1 với số tiền hơn 4,6 tỷ đồng. |
Ông Ngô Đức Đạo, thôn An Hiệp, xã Quỳnh Giao, huyện Quỳnh Phụ | Trước đây, gia đình tôi cũng như các hộ khác trong xã sử dụng nước giếng khoan có qua lọc bằng cát, đá để phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Từ tháng 10/2014, Nhà máy nước sạch Quỳnh Giao đi vào hoạt động thì bà con nơi đây đóng góp tiền, đấu nối đồng hồ, đưa nước sạch về phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Sử dụng nước sạch là niềm khát khao của người dân nông thôn. Nước sạch góp phần làm thay đổi diện mạo cuộc sống của người dân, góp phần giảm thiểu tỷ lệ dân số bị mắc các bệnh liên quan đến việc sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh. |
Theo Báo Thái Bình
Nguồn:socongthuongold.thaibinh.gov.vn Copy link