Tình hình thực hiện các nhiệm vụ cải thiện hiệu quả logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển logistics quốc gia
1. Tình hình triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải thiện hiệu quả Logistics
- Về quy hoạch phát triển Logistics:
Năm 2018, Sở Công Thương đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình cho phép được phối hợp với cơ quan trung ương và địa phương xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển thương mại tỉnh Thái Bình đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2035, trong đó có lồng ghép quy hoạch logistics vào trong quy hoạch tổng thể phát triển thương mại và đã được UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt Quy hoạch tại Quyết định số 230/QĐ-UBND ngày 23/01/2018 về chủ trương UBND tỉnh ưu tiên dành quỹ đất, quy hoạch trên địa bàn tỉnh 04 trung tâm logistics, trong đó có 03 trung tâm logistic nằm trên hành lang kinh tế ven biển Đông Nam Bắc bộ có tuyến đường bộ ven biển nối 5 tỉnh ven biển phía Bắc chạy qua, thuộc Khu kinh tế Thái Bình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 36/2017/QĐ-TTg ngày 29/7/2017.
(Các đồng chí lãnh đạo khảo sát quy hoạch khu dịch vụ cảng logistics tại xã Thái Thượng,Thái Thụy)
- Về Quy hoạch Khu kinh tế Thái Bình: Thủ tướng Chính phủ đã quyết định phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình đến năm 2040, tầm nhìn 2050. Trong đó có bao gồm Khu dịch vụ cảng logistics tại huyện Thái Thụy và khu cảng nước sâu Ba Lạt tại huyện Tiền Hải. Khi hoàn thành khu dịch vụ cảng logistics và cảng Ba Lạt sẽ góp phần khai thác tối đa lợi thế của vùng, trở thành điểm đến của các tàu trọng tải lớn, phấn đấu trở thành điểm trung chuyển hàng hóa toàn khu vực đi quốc tế và ngược lại… Thời gian tới, Thái Bình sẽ tập trung phát triển hệ thống, dịch vụ kho bãi chuyên nghiệp nhằm phục vụ các hoạt động tập kết, lưu giữ, trung chuyển, xếp dỡ, bao bì đóng gói… trong quá trình lưu thông hàng hóa trên thị trường nội địa và xuất nhập khẩu.
- Về hạ tầng giao thông: hạ tầng giao thông đường bộ đã được cải thiện rõ rệt trong những năm qua. UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai xây dựng mới tuyến đường bộ ven biển, hoàn thiện các thủ tục đưa vào khai thác sử dụng tuyến đường tránh QL.10 qua thị trấn Đông Hưng; dự án tuyến đường bộ nối 2 tỉnh Thái Bình - Hà Nam với đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình, thực hiện quy hoạch cảng sông nội địa và một số dự án nâng cấp đường nội tỉnh kết nối vào khu công nghiệp, sửa chữa, nâng cấp quốc lộ 37, 39 đoạn qua địa phận tỉnh Thái Bình… tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông nói chung và lưu thông hàng hóa giữa tỉnh Thái Bình và các tỉnh khác.
- Về dịch vụ kho bãi: Thái Bình hiện có 1 dự án đang được triển khai là Tổng kho luân chuyển hàng hóa, dịch vụ hậu cần khu công nghiệp và dịch vụ thương mại tổng hợp, với diện tích 13,76 ha, tổng vốn đầu tư là 702 tỷ đồng; quy mô bao gồm khu văn phòng điều hành, khu dịch vụ tổng hợp, khu bốc xếp hàng hóa, khu hệ thống kho hàng, khu Trung tâm thương mại dịch vụ được đầu tư trên địa bàn 2 xã Tân Bình và Phú Xuân, thành phố Thái Bình.
- Về doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logictic: Toàn tỉnh có khoảng gần chục doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ Logistic, quy mô chất lượng dịch vụ chủ yếu theo phương thức 1PL (First Party Logistic- Tự cung tự cấp), 2PL (Second Party Logistic- Cung cấp dịch vụ bên thứ 2). Các dịch vụ logictic đã được các công ty sản xuất thuê ngoài để giảm chi phí hoạt động và chi phí đầu tư, cho phép các doanh nghiệp tập trung vào năng lực cốt lõi của họ thay vì đầu tư dàn trải và rủi ro cho các hoạt động khác, trong đó dịch vụ giao nhận bằng vận tải đường bộ được các doanh nghiệp sử dụng chiếm tỷ lệ cao.
Bưu điện tỉnh Thái Bình đã mở rộng Trung tâm khai thác tỉnh, xây mới, sửa chữa, nâng cấp, mở rộng mặt bằng các bưu cục, điểm phục vụ tại thành phố, huyện, xã; trang bị các xe ô tô chuyên dùng vận chuyển mạng đường thư nội tỉnh. Đẩy mạnh dịch vụ COD, dịch vụ sau bán hàng phục vụ thương mại điện tử, triển khai dịch vụ Logistics Eco là dịch vụ chuyển phát vật phẩm, hàng hóa có số lượng lớn, khối lượng và kích thước lớn đến địa chỉ nhận ở trong nước.
2. Đánh giá chung, một số hạn chế, khó khăn:
- Tỉnh Thái Bình có đặc thù là không có cảng biển quốc tế, không có cửa khẩu, không có kho ngoại quan... nên dịch vụ phát triển Logistics còn ở mức hạn chế. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ Logistics còn ít, quy mô hạn chế, mới chỉ ở phương thức 1PL và 2PL, tính chuyên nghiệp chưa cao, cơ sở hạ tầng logistics chưa đồng bộ. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hầu hết là các doanh nghiệp nhỏ và vừa nên nguồn lực còn hạn chế, chưa có nhiều doanh nghiệp sử dụng dịch vụ logistics. Mặt khác, nguồn nhân lực trong lĩnh vực này còn thiếu, chưa được đào tạo bài bản theo đúng chuyên ngành logistics, phần lớn đội ngũ quản lý và người lao động đang hoạt động trong ngành logistics được đào tạo từ những ngành nghề khác, thông qua các lớp đào tạo nghiệp vụ ngắn hạn và quá trình tích tụ kiến thức từ thực tiễn kinh nghiệm kinh doanh dẫn đến trình độ tay nghề và tính chuyên nghiệp còn thấp, nhất là ở các cấp quản lý, điều hành.
- Việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng về giao thông vận tải đường bộ, đường thủy còn nhiều khó khăn nên ảnh hưởng đến việc vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu của doanh nghiệp và sự phát triển của các dịch vụ logistics.
- Phần lớn doanh nghiệp logistics chỉ cung cấp dịch vụ cơ bản, nhỏ lẻ; sự phối hợp, liên kết giữa các doanh nghiệp và các khâu trong chuỗi hoạt động dịch vụ logistics chưa tốt, chưa có những giải pháp hoạt động trọn gói.
3. Đề xuất, kiến nghị với UBND tỉnh, Bộ Công Thương:
- Tiếp tục rà soát các văn bản pháp lý liên quan đến Logistics đảm bảo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động Logistics tỉnh Thái Bình nói riêng và cả nước nói chung.
- Giới thiệu nhà đầu tư có đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện đầu tư trung tâm logistics theo Quy hoạch cho Thái Bình.
- Tổ chức các hội nghị tập huấn, phổ biến, tuyên truyền về các cam kết quốc tế của Việt Nam liên quan đến dịch vụ logistics cho doanh nghiệp tỉnh Thái Bình hoạt động logistics trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay./.