KẾT QUẢ TRIỂN KHAI CHỈ THỊ SỐ 38/CT-TTg VỀ TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN VÀ KHAI THÁC HIỆU QUẢ CÁC HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO ĐÃ CÓ HIỆU LỰC CỦA TỈNH THÁI BÌNH NĂM 2021 VÀ 2022
Cùng chung tác động của bối cảnh kinh tế - xã hội của thế giới và trong nước, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, và bám sát chỉ đạo của Ban Hội nhập quốc tế Trung ương, nền kinh tế - xã hội của tỉnh tuy bị tác động mạnh mẽ, nhưng vẫn theo chiều hướng tích cực. Năm 2021 tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh (giá so sánh năm 2010) ước đạt 57.112 tỷ đồng, tăng 6,68% so với năm 2020 (cao hơn bình quân chung của cả nước ). Tổng sản phẩm 9 tháng đầu năm 2022 (GRDP, theo giá so sánh năm 2010) trên địa bàn tỉnh ước đạt 43.830 tỷ đồng, đạt 70,2% kế hoạch và tăng 9,02% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng giá trị sản xuất ước đạt 131.289 tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2021.
1. Tình hình triển khai thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực năm 2021 và 2022.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của tỉnh Thái Bình: Ban Hội nhập kinh tế quốc tế đã thường xuyên nắm bắt, nghiên cứu, triển khai các chủ trương của Trung ương và của tỉnh về công tác hội nhập quốc tế để tham mưu cho UBND tỉnh. Công tác hội nhập quốc tế luôn được quan tâm triển khai xuyên suốt, kịp thời, theo các chỉ đạo của Đảng và Nhà nước. Tiếp tục phát huy kết quả đạt được của các năm trước, trong các năm 2021, 2022 ngoài tiếp tục triển khai các chương trình, kế hoạch đã ban hành của các năm trước, tỉnh Thái Bình tiếp tục triển khai các công tác nhằm khai thác các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết. UBND tỉnh ban hành nhiều quyết định triển khai các Hiệp định thương mại tự do, như: Quyết định số 2571/QĐ-UBND ngày 28/8/2020 ban hành kế hoạch thực hiện hiệp định thương mại tự do giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA); Quyết định số 2004/QĐ-UBND ngày 18/8/2021 về kế hoạch thực hiện Hiệp định thương mại tư do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và bắc Ai Len (UKVFTA); Xây dựng Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Thái Bình; Quyết định 482/QĐ-UBND ngày 04/3/2022 về việc Ban hành kế hoạch thực hiện Hiệp định đối tác Kinh tế toàn diện Khu vực (Hiệp định RCEP); Quyết định số 507/QĐ-UBND ngày 09/3/2022 về việc phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”; Quyết định 571/QĐ-UBND ngày 17/3/2022 về phê duyệt Đề án chuyển đổi số tỉnh Thái Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; ban hành Kế hoạch hành động thực hiện "Đề án đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021-2030" trên địa bàn tỉnh Thái Bình năm 2022 và khung giai đoạn 2022-2025…. và nhiều chương trình, kế hoạch khác, đặc biệt là các chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trong Khu kinh tế Thái Bình, tỉnh Thái Bình, giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030 theo Nghị quyết số 11/2019/NQ-HĐND ngày 16/9/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành.
Công tác thông tin tuyên truyền về các hiệp định thương mại tự do: Công tác thông tin tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và tuyên truyền về các Hiệp định thương mại tự do trên địa bàn tỉnh đã hình thành tính hệ thống và đi vào các chuyên đề chuyên sâu. Phương thức tuyên truyền đa dạng, phong phú và đi vào thực chất, dần phổ cập được đến các tầng lớp trong xã hội: Tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng (đài phát thanh và truyền hình), bằng các Hội nghị, hội thảo, bồi dưỡng kiến thức, thông tin mới về hội nhập, bằng trang website online, Hỏi đáp, Tạp chí … Công tác tuyên truyền đã được phân loại các đối tượng để tăng tính hiệu quả: Đối với doanh nghiệp, đối với người dân, đối với nông dân, đối với cán bộ quản lý nhà nước, đối với sản xuất tập thể (hợp tác xã )… để tăng tính thực tiễn và hiệu quả của tuyên truyền.
Nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cấp doanh nghiệp và sản phẩm:
Nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh: Cải cách hành chính được xác định là nhân tố quan trọng đặc biệt để nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. UBND tỉnh cũng chỉ đạo các ngành triển khai tương đối toàn diện, đồng bộ và sát thực các công tác hỗ trợ doanh nghiệp, tạo các cơ sở, nền tảng để tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp: Đến ngày 14/6/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt Danh mục 1.344 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 thực hiện tại tỉnh Thái Bình, gồm: 1.074 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban, ngành thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; 187 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân cấp huyện và 83 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân cấp xã.
Trong các năm 2021, 2022 UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác CCHC trên địa bàn tỉnh, trong đó có một số văn bản quan trọng như: Quyết định số 1712/QĐ-UBND ngày 03/8/2022 về việc giao chỉ tiêu tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến và tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC và tỷ lệ ký số văn bản điện tử trên địa bàn tỉnh Thái Bình năm 2022; Quyết định số 1489/QĐ-UBND ngày 13/7/2022 phê duyệt Quy trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục cấp Phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tư pháp tỉnh Thái Bình; Quyết định số 1496/QĐ-UBND ngày 14/7/2022 phê duyệt Quy trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử, đăng ký kết hôn theo hình thức trực tuyến mức độ 3 trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Ngoài ra, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành các quyết định công bố danh mục thủ tục hành chính, văn bản chỉ đạo điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh nhằm triển khai có hiệu quả công các CCHC trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã đã cụ thể hóa và triển khai thực hiện tại cơ quan, đơn vị, địa phương.
Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư. Chủ động nắm bắt, tham mưu tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt trong thu hút đầu tư và khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để giải phóng, khơi thông các nguồn lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. UBND tỉnh ban hành quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt của tỉnh về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục triển khai nhiều chương trình, kế hoạch nhằm hiện đại hóa và nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất trong tỉnh.
(Đ/c Trần Đức Vinh - Phó TP QL Xuất nhập khẩu - tổ trưởng tổ chuyên viên giúp việc thường trực ban hội nhập kinh tế quốc tế tỉnh phát biểu tại HN)
Nâng cao năng lực cạnh tranh cấp doanh nghiệp và sản phẩm:
Trong các năm 2021, 2022 tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ các chương trình hỗ trợ, khuyến khích sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp trong tỉnh:
- Đề nghị Bộ Công Thương xét chọn doanh nghiệp xuất khẩu uy tín năm 2021, năm 2022 cho sáu (06) doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh.
- Tỉnh tổ chức hội nghị kết nối cung cầu, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp tiêu biểu của tỉnh nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cho ngành nông nghiệp và công nghiệp của tỉnh. Tại hội nghị có 4 điểm cầu quốc tế (Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia) và 18 điểm cầu trong nước; Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử trong sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu...tham gia hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài nước.
- Tổ chức các hội nghị, hội thảo phổ biến thông tin thị trường, đối tác; Hỗ trợ nghiên cứu, tài trợ các doanh nghiệp trong xây dựng, tiếp cận khoa học công nghệ và tạo sản phẩm mới, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý sản phẩm cho một số sản phẩm của tỉnh.
Năm 2021, 2022 các sở, ngành trong tỉnh đã tổ chức hàng chục khóa đào tạo cho hơn 1500 học viên đến từ các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, và nhiều khóa đào tạo bồi dưỡng cán bộ Hợp tác xã. Các khóa đào tạo do Sở tổ chức đều nhận được phản hồi tích cực từ các học viên và cộng đồng các doanh nghiệp.
Các chương trình hợp tác kinh tế thương mại với các nước đã ký hiệp định thương mại do với Việt Nam. Năm 2021 và 2022, tỉnh đã chủ động tích cực tổ chức các đoàn công tác của tỉnh đi thăm, làm việc và ký kết các hợp tác với các tỉnh của các nước: Hàn Quốc, Ấn Độ, Pháp, Ý, Nhật Bản, đón tiếp và làm việc với Tham tán Bắc Âu tại Thái Bình. Ngoài ra còn tổ chức một số cuộc hội nghị tọa đàm trực tuyến với các cơ quan địa phương, doanh nghiệp nước ngoài khác.
Công tác đảm bảo an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội, công tác an sinh xã hội: An ninh quốc phòng tiếp tục được giữ vững. Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm; Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường được quán triệt thường xuyên. Các đối tượng chính sách xã hội, người nghèo, người cao tuổi, trẻ em, đảm bảo cho mọi người dân đều được cung cấp các dịch vụ y tế cơ bản; thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế tại trạm y tế xã. Triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách trợ giúp xã hội, ưu đãi người và gia đình có công với cách mạng, bảo đảm an sinh xã hội.
2. Những kết quả đạt được
Trong thời gian qua, việc thực thi các Hiệp định thương mại tự do mà Việt nam là thành viên đã góp phần mang lại những tác động tích cực cho sự phát triển kinh tế và mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng hóa và sản phẩm của Việt Nam nói chung và tỉnh Thái Bình nói riêng. Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tăng đều trong những năm qua, các thị trường xuất khẩu chủ lực của tỉnh bao gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, các nước EU, các nước ASEAN… Hàng hóa xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, các nước ASEAN hầu hết đã đáp ứng tiêu chí xuất xứ trong Hiệp định nên đã tận dụng được những ưu đãi thuế quan mà Hiệp định mang lại.
Đối với Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len, cũng đã có nhiều doanh nghiệp tận dụng được ưu đãi thuế quan từ Hiệp định này. Một số doanh nghiệp đã và đang có sự điều chỉnh chuỗi cung ứng nguyên liệu để có thể đáp ứng yêu cầu về xuất xứ của Hiệp định; Hiệp định RCEP áp dụng các quy tắc xuất xứ tự do cho các sản phẩm may mặc. Hầu hết các nhà máy may mặc có xuất khẩu sangcác nước thành viên RCEP có thể hưởng ngay các lợi ích RCEP mà không cần điều chỉnh chuỗi cung ứng hiện tại của họ, nên các doanh nghiệp tận dụng Hiệp định RCEP tương đối hiệu quả và thuận lợi.
Khi các FTA có hiệu lực, tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ngành triển khai những công việc cần thiết để thực thi hiệp định và hỗ trợ doanh nghiệp khai thác lợi ích của các FTA này như hướng dẫn thực hiện các văn bản nội luật hóa các cam kết; tuyên truyền về tiến trình hội nhập và giải thích các cam kết; nghiên cứu, đánh giá tác động của các FTA … Việc triển khai các hội nghị phổ biến kiến thức về các FTA trên địa bàn tỉnh được doanh nghiệp đánh giá cao. Cán bộ xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp được cập nhật các thông tin mới, được hướng dẫn chuyên sâu về quy tắc xuất xứ trong từng Hiệp định, qua đó có cái nhìn tổng quát để so sánh, lựa chọn việc tận dụng Hiệp định nào để mang lại hiệu quả cao nhất cho doanh nghiệp.
Các thủ tục hành chính về lĩnh vực xuất nhập khẩu được đơn giản hóa cụ thể như: Việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) được in trên giấy A4 thông thường đối với 14 mẫu C/O đúng theo quy định giúp giảm thiểu chi phí, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu; Thực hiện cấp C/O mẫu D điện tử cho hàng hóa xuất khẩu sang các nước ASEAN; Số hóa toàn bộ chứng từ trong hồ sơ đề nghị cấp C/O.
3. Những đề xuất, kiến nghị
Đề nghị Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, các chuyên gia, cơ quan trực tiếp tham gia đàm phán có những nghiên cứu sâu đánh giá khách quan tác động của các FTA, đặc biệt là tác động của hàng rào kỹ thuật đối với từng ngành hàng, lĩnh vực và thông tin đến các địa phương để tuyên truyền cho Doanh nghiệp, Hiệp hội kịp thời; Đề nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ hoặc có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm một số tương đối lớn trong cộng đồng doanh nghiệp) chi phí phần mềm khai báo hải quan khi xuất khẩu: Hiện nay chi phí mua phần mềm (Thái Sơn) là chi phí tương đối lớn đối với doanh nghiệp nhỏ và tần suất xuất khẩu ít với mục đích khuyến khích được nhiều doanh nghiệp nhỏ có cơ hội vươn ra thị trường thế giới.
Đề nghị Bộ Công Thương và các Bộ tăng cường hỗ trợ địa phương tổ chức các hội nghị chuyên đề chuyên sâu về hội nhập; Tiếp tục phát huy vai trò của các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài: Hỗ trợ doanh nghiệp về thông tin và khi doanh nghiệp có yêu cầu hỗ trợ trong quá trình kinh doanh với doanh nghiệp các nước; Có cơ chế phối hợp giữa các cơ quan Trung ương (các Bộ) với địa phương trong việc triển khai các chương trình thuộc các Nghị quyết của Chính phủ, Bộ, ngành. Và thông báo kết quả các nghiên cứu cho địa phương để học tập, ứng dụng; có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong quản trị doanh nghiệp: Hỗ trợ kỹ thuật và tài chính để doanh nghiệp hoàn thiện các tiêu chuẩn ISO, HACCP, ... là các tiêu chuẩn cơ bản để tiến tới xuất khẩu sản phẩm; Hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp.