CÔNG TÁC HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ NĂM 2021, PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ NĂM 2022
Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường: xung đột chính trị, cạnh tranh chiến lược giữa các quốc gia và các vùng lãnh thổ...; kinh tế toàn cầu tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề bởi các đợt bùng phát dịch Covid-19 với những biến thể mới. Tình hình trong nước, năm 2021 là năm đầu triển khai thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Bên cạnh những thuận lợi vẫn còn không ít khó khăn, thách thức, nhất là tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu và tại một số tỉnh, thành phố trong cả nước, dịch bệnh xâm nhập vào các trung tâm, đô thị lớn, khu công nghiệp, khu chế xuất… đã ảnh hưởng nặng nề đến đời sống kinh tế - xã hội. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, công tác hội nhập quốc tế của tỉnh năm 2021 đã đạt được kết quả như sau:
- Về phát triển kinh tế - xã hội:
Tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh (giá so sánh năm 2010) ước đạt 57.112 tỷ đồng, tăng 6,68% so với năm 2020 (cao hơn bình quân chung của cả nước). Tổng giá trị sản xuất ước đạt 169.712 tỷ đồng, tăng 9,77% so với năm 2020, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 28.412 tỷ đồng, tăng 2,5%; khu vực công nghiệp và xây dựng ước đạt 111.269 tỷ đồng, tăng 14% và khu vực dịch vụ ước đạt 30.031 tỷ đồng, tăng 2,7%. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 17% so với nắm 2020 (vượt kế hoạch đề ra 15,8%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 7,6% ( đạt kế hoạch ). Kim ngạch xuất khẩu tăng 23,5%, kim ngạch nhập khẩu tăng 21,3% - vượt kế hoạch đề ra. Cơ cấu kinh tế (theo giá hiện hành): Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 23,3%; ngành công nghiệp và xây dựng chiếm 40,9%; ngành dịch vụ chiếm 29,6%; thuế sản phẩm chiếm 6,2%.
- Về thực hiện công tác hội nhập kinh tế quốc tế năm 2021
2.1 Công tác phòng, chống dịch Covid-19:
Công tác phòng, chống dịch Covid-19 là kết quả nổi bật của tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2021. Là nền tảng đặc biệt quan trọng cho tiếp tục phát triển sản xuất và giữ vững ổn định chính trị - xã hội. UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, xác định công tác phòng, chống dịch là nhiệm vụ trọng tâm với mục tiêu bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân, khôi phục, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh, trật tự an toàn xã hội.Với những biện pháp chỉ đạo đồng bộ và quyết liệt, trong thời gian dài toàn tỉnh đã hạn chế tối đa ca lây nhiễm trong cộng đồng, có lúc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhựng luôn được kiểm soát, ngăn chặn, khống chế, bảo vệ an toàn sức khỏe cho nhân dân và các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.
2.2. Công tác cải cách hành chính
UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo quyết liệt và cụ thể công tác cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh và có nhiều kết quả tích cực, tác động rõ nét đến công tác CCHC của tỉnh: Công bố 29 thủ tục hành chính (TTHC) mới; sửa đổi bổ sung 03 TTHC; hủy bỏ 29 TTHC các cấp. Thực hiện niêm yết công khai TTHC theo quy định; xây dựng quy trình thực hiện chi tiết, quy trình điện tử đối với từng TTHC sau khi công bố; thường xuyên rà soát, điều chỉnh danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đảm bảo yêu cầu đề ra (81/130 TTHC đạt mức độ 4; trong đó cấp tỉnh 46/81, cấp huyện 23/34, cấp xã 12/15).
2.3. Nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cấp doanh nghiệp và sản phẩm:
Đối với nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh: Công tác xúc tiến đầu tư được tích cực triển khai thực hiện, nhất là thu hút các dự án FDI quy mô lớn vào Khu kinh tế và khu, cụm công nghiệp; xây dựng một số chương trình, kế hoạch chiến lược phát triển ngành công nghiệp và thương mại trên địa bàn tỉnh: “Đề án phát triển ngành Công Thương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030", “Đề án đẩy mạnh xuất khẩu tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021-2025”; “Quy chế quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình”, “Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021-2025”, kế hoạch thực hiện Hiệp định UKVFTA; Cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực XNK; Thực hiện Kế hoạch Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021-2025.
Đối với nâng cao năng lực cạnh tranh cấp doanh nghiệp, sản phẩm: Tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp của tỉnh trong xúc tiến thương mại trên nền tảng số và truyền thống như tổ chức các Hội chợ trong và ngoài tỉnh, triển lãm, giới thiệu sản phẩm, Hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP của các tỉnh thành trên cả nước thông qua các chương trình như hội nghị trực tuyến, trao đổi thông tin giữa các tỉnh thành; Tổ chức Khu gian hàng giới thiệu, trưng bày, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP và các sản phẩm tiêu biểu tại Trung tâm thương mại GO! Thái Bình của Tập đoàn Central Retail; Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử trong sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu như hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia Sàn giao dịch thương mại; Thực hiện “Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc” trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021-2025....
2.4. Hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Đến nay, tỉnh Thái Bình đã có 22.169,58 ha đất nông nghiệp được tích tụ, tập trung để sản xuất hàng hóa quy mô lớn gắn với tiêu thụ nông sản; Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất theo mô hình Hợp tác xã tổ hợp tác, đổi mới phát triển làng nghề; Công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học - công nghệ, an toàn, thân thiện với môi trường đạt nhiều kết quả tích cực; Xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện theo hướng thực chất và hiệu quả. Toàn tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 4 xã được công nhận đạt nông thôn mới nâng cao, đang tập trung chỉ đạo 16 xã và công nhận 02/16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; Có 17 sản phẩm OCOP được công nhận đạt 4 sao. Triển khai xây dựng thí điểm 07 mô hình phát triển nông nghiệp thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX tại các huyện Quỳnh Phụ, Đông Hưng, Thái Thụy, Tiền Hải, Kiến Xương và Vũ Thư.
2.5. Bảo vệ tài nguyên môi trường:
UBND tỉnh ban hành 20 văn bản về lĩnh vực bảo vệ môi trường. Ban hành các văn bản để các cơ quan chuyên môn hướng dẫn, giải đáp ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp, tác nghiệp công tác, tham gia ý kiến chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, đồ án thiết kế trạm xử lý nước thải, trả lời kiến nghị cử tri, nhân dân, trả lời báo …. về công tác bảo vệ môi trường.
2.6. Phát triển đồng bộ các yếu tố của nền kinh tế thị trường:
Thị trường hàng hóa tiêu dùng, phục vụ sinh hoạt của nhân dân tương đối ổn định, đảm bảo phục vụ nhu cầu trong sinh hoạt của người dân và một phần cho sản xuất; thị trường dịch vụ cũng có bước phát triển, đáp ứng cơ bản các nhu cầu đời sống nhân dân khi được nâng cao; thị trường tài chính, vốn tiếp tục phát triển ổn định…
2.7. Đào tạo phát triển nguồn nhân lực:
Ước năm 2021, tuyển sinh đào tạo được 35.500 người (đạt 100% kế hoạch năm), trong đó trình độ cao đẳng 3.900 người, trung cấp 6.800 người, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng 24.800 người. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 30 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 04 trường cao đẳng, 7 trường trung cấp, 19 trung tâm, ngoài ra còn các cơ sở khác tham gia đào tạo nghề nghiệp cho người lao động.
2.8. Công tác thông tin tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế và triển khai các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết và tham gia:
Công tác thông tin tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm hơn, hình thành tính hệ thống và đi vào các chuyên đề chuyên sâu: Phần lớn các đơn vị lồng ghép tuyên truyền về hội nhập quốc tế với công tác chuyên môn; tuyên truyền trên hệ thống Cổng thông tin điện tử của tỉnh và trên các phương tiện thông tin đại chúng về các chủ trương, đường lối hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng, Nhà nước và của tỉnh đến đông đảo người dân và doanh nghiệp; bằng các Hội nghị, hội thảo, bồi dưỡng kiến thức, thông tin mới về hội nhập, bằng trang website online, Hỏi đáp, Tạp chí…
2.9. Công tác đảm bảo an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội, công tác an sinh xã hội:
An ninh quốc phòng tiếp tục được giữ vững. Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm. Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường được quán triệt thường xuyên. Triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách trợ giúp xã hội, ưu đãi người và gia đình có công với cách mạng, bảo đảm an sinh xã hội. Kịp thời hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch covid-19, đã có 174.748 người lao động/người dân, 2.814 doanh nghiệp được hưởng các chính sách hỗ trợ.
Để công tác hội nhập hiệu quả hơn trong năm 2022, Ban Hội nhập kinh tế quốc tế tỉnh đã đề ra nhiệm vụ cụ thể sau
Các ngành rà soát lại chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác Hội nhập KTQT; Tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền về các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết cho doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, trong đó lưu ý cách thức tuyên truyền,chủ đề tuyên truyền để đảm bảo tính hiệu quả, thiết thực; Triển khai sâu quyết định 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 03/6/2020 về phê duyệt "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 ", trong đó 8 lĩnh vực cần được các ngành nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh triển khai ngay; Thực hiện nghiên cứu chuyên sâu về tác động của hội nhập kinh tế quốc tế cho các ngành, lĩnh vực. Trong đó đặc biệt quan tâm nội dung “Tiếp tục đổi mới cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng” mà Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra; tái cơ cấu ngành dưới tác động của hội nhập quốc tế. Rà soát tác động tới từng sản phẩm, từng ngành hàng chủ lực của tỉnh. Xây dựng cơ chế chính sách cho các sản phẩm, ngành hàng cần hỗ trợ phát triển. Đánh giá và hỗ trợ doanh nghiệp chuẩn bị biện pháp ứng phó với hàng rào phi thuế quan đối với một số sản phẩm chủ yếu của Thái Bình; triển khai thực hiện Chiến lược hội nhập quốc tế về lao động và xã hội trên địa bàn tỉnh Thái Bình, trong đó cập nhật về tình hình "chuyển đổi số" của nền kinh tế; xây dựng thị trường logistic, thị trường bất động sản, thị trường vốn, thị trường lao động, thị trường khoa học công nghệ; Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cấp doanh nghiệp và sản phẩm; Nâng cao vai trò của Ban Hội nhập kinh tế quốc tế tỉnh cũng như vai trò, nhiệm vụ của từng thành viên để xây dựng các hoạt động công tác hội nhập kinh tế quốc tế thiết thực, cụ thể, toàn diện ở các ngành, lĩnh vực; Tiếp tục giữ vững an ninh, quốc phòng, tạo môi trường chính trị ổn định để phát triển kinh tế./.