A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

CHỦ ĐỘNG TẬN DỤNG CƠ HỘI TỪ HIỆP ĐỊNH RCEP

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực là một hiệp định thương mại tự do bao gồm 10 nước thành viên ASEAN và 5 quốc gia mà ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do (AustraliaTrung QuốcNhật BảnHàn Quốc và New Zealand) được ký kết tại Hà Nội vào ngày 15 tháng 11 năm 2020 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2022. Trong đó, 15 nước thành viên chiếm gần tới 30% của dân số thế giới (khoảng 2,2 tỉ người) và 30% của tổng sản phẩm nội địa GDP toàn cầu (khoảng trên 26 nghìn tỉ USD).

Khi tham gia Hiệp định RCEP, giao thương của Việt Nam với các đối tác trong Hiệp định RCEP sẽ ngày càng rộng mở. Nhiều cơ hội mới dự kiến sẽ mở ra cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặt biệt là trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, thương mại dịch vụ. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ tiếp cận thuận lợi hơn nguồn nguyên liệu, phục vụ chuỗi sản xuất các mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu. Đơn cử, Việt Nam có thể nhập khẩu chip điện tử từ Nhật Bản, Hàn Quốc; nhập nguyên liệu dệt may từ Trung Quốc để sản xuất trong nước và xuất khẩu đi nước khác, đồng thời thỏa mãn quy tắc xuất xứ nội khối để tận dụng được ưu đãi thuế quan.

RCEP cũng đem lại cho Việt Nam một thị trường có mức sống, kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ với nhu cầu tiêu dùng rất lớn mà đòi hỏi không quá cao về chất lượng sản phẩm như khi tham gia vào CPTPP hay EVFTA... Hiện, các thị trường trong khối RCEP đang bao trùm gần như toàn bộ chuỗi sản xuất của nhiều loại hàng Việt Nam có thế mạnh như: Sản phẩm điện tử, dệt may, giày dép, thực phẩm chế biến… Đây là cơ hội để Việt Nam mở rộng hơn nữa thị trường, thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm của doanh nghiệp tới thị trường các nước thành viên RCEP.

Ngày 18/2/2022, Bộ Công Thương đã ký ban hành Thông tư số 05/2022/TT-BCT quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực. Thông tư là văn bản pháp lý quan trọng hướng dẫn các cơ quan, tổ chức cấp C/O ưu đãi cũng như cộng đồng trong việc thực thi quy tắc xuất xứ hàng hóa tại Hiệp định RCEP.

                       (Chuyên gia của Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương truyền đạt nội dung Hiệp định RCEP tại hội nghị.)

Đồng thời, ngày 04/3/2022 UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành Quyết định số 482/QĐ-UBND về việc ban hành kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) nhằm thực hiện có hiệu quả Hiệp định RCEP.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Thái Bình có khoảng  trên 300 doanh nghiệp thực hiện hoạt động xuất khẩu thường xuyên với nhiều mặt hàng đa dạng, trong đó phần lớn là các doanh nghiệp dệt may với kim ngạch xuất khẩu chiếm 50-60% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh (trên 200 doanh nghiệp dệt may, 9 doanh nghiệp xuất khẩu hàng da giầy, 18 doanh nghiệp xuất khẩu hàng xơ, sợi phục vụ nguyên liệu sản xuất, 4 doanh nghiệp xuất khẩu hàng thiết bị điện tử;10 doanh nghiệp xuất khẩu hàng kim loại, 9 doanh nghiệp xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ, 7 doanh nghiệp xuất khẩu hàng sứ vệ sinh và vật liệu xây dựng, 5 doanh nghiệp xuất khẩu hàng nông sản, 5 doanh nghiệp xuất khẩu hàng thủy sản; còn  lại là doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng khác).Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng, Hiệp định RCEP được kỳ vọng mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp trong việc mở rộng thị trường, gia tăng kim ngạch xuất khẩu, nhất là trong bối cảnh hậu Covid-19, khi mà nguồn cung và các đơn hàng từ các thị trường truyền thống đang bị gián đoạn.

Với mục tiêu triển khai thực thi Hiệp định RCEP khai thác tối đa lợi ích, hạn chế tối thiểu tác động tiêu cực và chủ động vượt qua thách thức do RCEP mang lại, đáp ứng kỳ vọng về phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, việc hiểu đúng và đủ các nội dung cam kết trong RCEP là vấn đề thực sự cần thiết đối với toàn bộ hệ thống chính trị, các cơ quan quản lý nhà nước và cộng động doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ngày (05-06)/5/2022, Sở Công Thương phối hợp Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị tập huấn Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và hướng dẫn quy định quy tắc xuất xứ hàng hóa trong các FTA cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Thông qua hội nghị đã giúp các doanh nghiệp đã nắm bắt được những nội dung cơ bản của Hiệp định RCEP; một số nội dung như thương mại hàng hóa, các biểu cam kết thuế quan, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật, hàng rào kỹ thuật trong thương mại, thương mại dịch vụ, đầu tư; Các nội dung kỹ thuật nghiệp vụ về áp dụng quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định và hướng dẫn cách đọc tiêu chí xuất xứ được áp dụng tại Danh mục cụ thể mặt hàng; Đồng thời hướng dẫn doanh nghiệp khai báo C/O theo Hiệp định RCEP; Giải đáp một số vướng mắc liên quan đến quy tắc xuất xứ hàng hóa và thảo luận thực hành xử lý những tình huống giả định có thể xảy ra trong quá trình thực hiện để từ đó hiểu và nắm rõ bản chất quy tắc xuất xứ của Hiệp định để từ đó các doanh nghiệp nghiên cứu và xây dựng chiến lược kinh doanh hợp lý, tận dụng được những ưu đãi từ Hiệp định để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa trong thời gian tới./.


Tác giả: Bá Hoạch
Nguồn:socongthuong.thaibinh.gov.vn Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết