A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngành Công Thương Thái Bình đẩy mạnh phát triển các cụm công nghiệp để hoàn thành các mục tiêu theo kế hoạch phát triển công nghiệp - thương mại giai đoạn 2021-2025.

Những năm vừa qua, sự phát triển ngành công nghiệp của tỉnh có đóng góp rất lớn của các cụm công nghiệp. Các cụm công nghiệp được thành lập đã tích cực thu hút đầu tư, huy động được nguồn vốn của các thành phần kinh tế tham gia phát triển kinh tế, thúc đẩy phát triển công nghiệp và kinh tế xã hội toàn tỉnh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, tăng hiệu quả sử dụng đất, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động nông thôn.

Ngành Công Thương Thái Bình triển khai thực hiện kế hoạch năm 2021-2022 và 6 tháng  đầu năm 2023 trong điều kiện có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; trong đó dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp; xung đột quân sự giữa Nga và Ukraina; giá hàng hóa nguyên, nhiên liệu, áp lực lạm phát tăng cao trên thế giới, tình trạng thiếu điện trong tháng 5, tháng 6… đã ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và tác động lớn đến đời sống, kinh tế, xã hội, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu và ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh và hoạt động xuất nhập khẩu, tiêu thụ sản phẩm (thị trường tiêu thụ chậm, tồn kho nhiều; do mất điện thường xuyên nên chi phí sản xuất tăng do sản phẩm bị hỏng nhiều, phải thay thế nguyên liệu đầu vào sản xuất: than hóa khí, dùng xăng dầu chạy máy phát điện, tăng ca đột xuất để kịp thời gian giao hàng...). Kết quả 6 tháng đầu năm 2023, Giá trị sản xuất công nghiệp ở một số ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh bị giảm so với cùng kỳ năm 2023: Ngành dệt may, da giầy giảm 30-40%, bia rượu- nước giải khát giảm trên 40%, sản xuất gạch ốp lát giảm 12%, sản xuất hàng điện tử dân dụng giảm 15%..., một số ngành vẫn được ổn định: lắp ráp điện tử, thủ công mỹ nghệ; riêng ngành cơ khí - luyện kim tăng 15%, điện điện tử, sản xuất sứ vệ sinh tăng trưởng ổn định.

Về phát triển cụm công nghiệp, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 49 Cụm công nghiệp (CCN) đã được thành lập với tổng diện tích 2.722 ha, 47 CCN đã được phê duyệt Quy hoạch chi tiết. Có 28 Cụm công nghiệp do cấp huyện quản lý một phần hoặc toàn bộ, 36 CCN do doanh nghiệp làm chủ đầu tư hạ tầng quản lý (toàn bộ hoặc phần mở rộng). Tỷ lệ lấp đầy các Cụm công nghiệp đạt trên 55%. Các Cụm công nghiệp đã thu hút được 452 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 33.413 tỷ đồng, tăng 14,8% so với năm 2020, có 336 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất (chiếm 74,3%), 68 dự án đang xây dựng, 48 dự án đang ở bước chuẩn bị đầu tư, sử dụng 56.552 lao động với mức thu nhập bình quân 6-8 triệu đồng/người/tháng. 6 tháng đầu năm 2023, giá trị sản xuất công nghiệp của CCN đạt 12.663 tỷ đồng chiếm 28% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, kim ngạch xuất khẩu đạt 133,3 triệu USD.

Nhà máy sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời AD Green của Dệt sợi Damsan (tại cụm công nghiệp An Ninh, Tiền Hải)

Bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Hiện còn một số CCN chưa được đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, chưa có trạm xử lý nước thải tập trung, nhất là các cụm công nghiệp do UBND cấp huyện quản lý; tiến độ đầu tư còn chậm, công tác xúc tiến đầu tư còn yếu, một số cụm công nghiệp tỷ lệ lấp đầy thấp.

Để hoàn thành các mục tiêu theo Kế hoạch phát triển công nghiệp - thương mại năm 2023 và giai đoạn 2021-2025, ngành Công Thương Thái Bình đẩy mạnh thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó lĩnh vực sản xuất công nghiệp tập trung đẩy mạnh phát triển các CCN trên địa bàn tỉnh, như sau:

Một là, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền, các sở, ngành trong việc tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng và các nhà đầu tư thứ cấp về đất đai, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư… làm tốt công tác tuyên truyền đến người dân, tạo sự đồng thuận của người dân có đất bị thu hồi góp phần đẩy nhanh tiến độ đầu tư, thu hút các nhà đầu tư thứ cấp, lấp đầy CCN.

Hai là, kịp thời bổ sung chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2025 cho các CCN, điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất cho những dự án đầu tư hạ tầng có khả năng triển khai nhanh, có năng lực thu thút đầu tư.

Ba là, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành cơ chế chính sách ưu đãi doanh nghiệp đầu tư xây dựng công trình bảo vệ môi trường cho các CCN, nhất là các CCN do UBND cấp huyện quản lý.

Bốn là, tích cực đôn đốc các nhà đầu tư hạ tầng CCN đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng, đặc biệt là trạm xử lý nước thải tập trung để đảm bảo điều kiện thu hút đầu tư.

Năm là, các nhà đầu tư hạ tầng CCN tích cực phối hợp với, các sở ngành đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước để thu hút nhà đầu tư thứ cấp vào CCN trên địa bàn quản lý.

Sáu là, tiếp tục làm tốt công tác cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư.

Bảy là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình hoạt động, đầu tư của các dự án trong CCN.

Tám là, thực hiện tốt phương án xử lý cụm công nghiệp do cấp huyện quản lý. Tạo điều kiện cho mở rộng các CCN có khả năng mở rộng, trong đó nhà đầu tư hạ tầng được lựa chọn có trách nhiệm đầu tư hạ tầng đồng bộ, trạm xử lý nước thải tập trung đấu nối giải quyết vấn đề môi trường cả ở phần hiện trạng. Thực hiện thí điểm chuyển giao 01 CCN cho doanh nghiệp quản lý theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Sau khi có hướng dẫn của Trung ương sẽ thực hiện với các CCN còn lại do UBND cấp huyện quản lý./.


Tác giả: Lê Văn Khiên - Phụ trách phòng Quản lý công nghiệp
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết