Hội nghị kết nối Agribank Thái Bình và doanh nghiệp đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp.
Ngày 26/10, Sở Công Thương phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh tỉnh Thái Bình tổ chức hội nghị kết nối doanh nghiệp đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về vốn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển Cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình.
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Dự Hội nghị có lãnh đạo Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, Sở Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Thái Bình, Trung tâm Hỗ trợ, Xúc tiến đầu tư và phát triển tỉnh Thái Bình; đại biểu các huyện, thành phố và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Bùi Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Công Thương phát biểu tại Hội nghị
Theo báo cáo của Ngân hàng Agribank chi nhánh tỉnh Thái Bình, đến nay Ngân hàng có tổng nguồn vốn hoạt động đạt gần 21.000 tỷ đồng, tổng dư nợ của Ngân hàng đạt 18.000 tỷ đồng, tăng 15% so với đầu năm 2023 với 35.600 khách hàng đang vay vốn, trong đó dư nợ cho vay doanh nghiệp đạt 5.200 tỷ đồng với 194 khách hàng đang vay vốn. Tỷ lệ nợ xấu chiếm 0,6% tổng dư nợ cho vay. Tổng doanh thu dịch vụ đạt gần 56 tỷ đồng. Trong thời gian qua, Agribank Thái Bình đã 5 lần hạ lãi suất, giảm 1,3% - 2,5% đối với cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, giảm 2 - 3% đối với cho vay tiêu dùng và giảm 3 - 4% đối với cho vay kinh doanh bất động sản...; đồng thời, thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ và triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi, lãi suất thấp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn dễ dàng với chi phí hợp lý.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Tường - Bí thư đảng ủy, Giám đốc Agribank Chi nhánh tỉnh Thái Bình phát biểu tại Hội nghị
Agribank chi nhánh tỉnh Thái Bình đã làm việc với một số nhà đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp với tổng diện tích của các dự án đạt 350 ha; đồng thời, cùng nhà đầu tư thỏa thuận phương án cấp vốn, ký kết thỏa thuận hợp tác cùng Công ty Cổ phần Đam San và Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Thuận Cường với tổng vốn đầu tư tín dụng đạt gần 1.000 tỷ đồng. Trong các doanh nghiệp vay vốn tại Chi nhánh, có 26 doanh nghiệp sử dụng 37,7 ha đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp với tổng dư nợ đến ngày 30/09 đạt 1.285 tỷ đồng, trong đó dư nợ ngoại tệ đạt 6 triệu USD với đa dạng các ngành nghề như: công nghiệp gốm sứ, công nghiệp chế biến thép, may mặc, thiết bị điện, vật liệu xây dựng.
Đồng chí Nguyễn Thúy Ngọc - Phó Phòng KHDN trình bày Chính sách tín dụng doanh nghiệp tại Agribank chi nhánh tỉnh Thái Bình
Tại Hội nghị, đại diện Agribank chi nhánh tỉnh Thái Bình giới thiệu tổng quan về sản phẩm dịch vụ: những chính sách mới, ưu đãi của Agribank đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp đối với sản phẩm cho vay đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, chính sách khách hàng, các chương trình tín dụng ưu đãi năm 2023... Agribank chi nhánh tỉnh Thái Bình đã chủ động xây dựng các chính sách ưu đãi cho từng khách hàng doanh nghiệp để thu hút khách hàng, cân đối lợi ích tài chính khách hàng mang lại; đồng thời cung cấp đầy đủ, đa dạng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại cho doanh nghiệp như: cho vay vốn lưu động, cho vay đầu tư tài sản cố định, bảo lãnh, thanh toán quốc tế, mua bán ngoại tệ và các sản phẩm ngân hàng số, bắt kịp với sự chuyển mình chuyển đổi số quốc gia.
Đại diện doanh nghiệp tham gia thảo luận tại Hội nghị
Đại diện các doanh nghiệp đã thảo luận về những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất đồng thời đề xuất kiến nghị khi thực hiện quan hệ hợp tác với Agribank Chi nhánh tỉnh Thái Bình như: nới lỏng hơn về điều kiện cho vay, nâng hạn mức cho vay, có cơ chế lãi suất phù hợp...
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Bùi Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: tính đến nay trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã có 49 CCN đã được thành lập với diện tích 2.722 ha, 47 CCN đã phê duyệt quy hoạch chi tiết với diện tích 2.202,6 ha. Các CCN trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 456 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký 33.413 tỷ đồng, tăng 14,8% so với năm 2020. Hiện có 336 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất, 68 dự án đang xây dựng, 52 dự án đang ở bước chuẩn bị đầu tư, sử dụng 56.552 lao động. Giá trị sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp trong CCN ước tính năm 2023 đạt 29.500 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 255 triệu USD, nộp ngân sách tỉnh 435 tỷ đồng. Việc phát triển CCN, thu hút đầu tư vào CCN trong thời gian qua tăng nhanh cả về số lượng dự án và quy mô dự án; lĩnh vực đầu tư ngày càng đa dạng hơn, góp phần phát triển kinh tế, thúc đẩy phát triển công nghiệp; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực; tăng hiệu quả sử dụng đất; giải quyết thêm nhiều việc làm cho lao động nông thôn.
Đồng chí Phó Giám đốc Sở hy vọng rằng thông qua Hội nghị này sẽ mở ra nhiều cách làm mới, nhiều giải pháp hữu hiệu, tạo ra môi trường thuận lợi trong phát triển sản xuất kinh doanh, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng và ổn định kinh tế xã hội của tỉnh. Đồng chí đề nghị, Agribank Thái Bình nghiên cứu thêm các ý kiến của đại biểu dự Hội nghị, tiếp tục triển khai mạnh mẽ các giải pháp về tiền tệ, tín dụng, lãi suất cho vay, đặc biệt là đơn giản hóa danh mục hồ sơ vay vốn, quy trình cho vay, khơi thông dòng vốn, tạo mọi điều kiện kết nối giữa ngân hàng với doanh nghiệp, từng bước tháo gỡ khó khăn, khơi thông dòng vốn, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cho các doanh nghiệp. Đồng thời các doanh nghiệp cần chú ý, quan tâm sớm hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan đến dự án; chủ động xây dựng các dự án, phương án SXKD khả thi, tăng cường quản lý thanh khoản, dòng tiền, minh bạch tình hình tài chính; chủ động tiếp cận đề xuất để ngân hàng có cơ sở thẩm định, quyết định cho vay; minh bạch hóa tài chính doanh nghiệp để ngân hàng có thể tiếp cận, thẩm định, cấp tín dụng đối với khách hàng, các dự án khả thi, đủ pháp lý./.