Tích cực cải cách hành chính, chuyển đổi số, giảm thiểu chi phí tuân thủ pháp luật, góp phần giải phóng nguồn lực, đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ là điều kiện tiên quyết để phát triển các ngành công nghiệp của tỉnh Thái Bình.

Nhận rõ vai trò của ngành công nghiệp hỗ trợ, trong những năm qua, tỉnh Thái Bình đã và đang ưu tiên thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp vào đầu tư, sản xuất công nghiệp hỗ trợ để cung cấp nguyên liệu, các chi tiết, sản phẩm (chưa hoàn thiện) tại chỗ cho các ngành công nghiệp mũi nhọn của tỉnh như sản xuất dệt may, cơ khí, điện điện tử, vật liệu xây dựng…

Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) là thuật ngữ xuất hiện đầu tiên ở Nhật Bản từ những năm 80 của thế kỷ 20. Theo Quyết định 12/2011/QĐ-TTg ngày 24/2/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ, khái niệm công nghiệp hỗ trợ được xác định: “CNHT là các ngành công nghiệp sản xuất vật liệu, phụ tùng linh kiện, phụ kiện, bán thành phẩm để cung cấp cho ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp các sản phẩm hoàn chỉnh là tư liệu sản xuất hoặc sản phẩm tiêu dùng”.

Dây chuyền sản xuất của Công ty Yazaki Hải Phòng Việt Nam tại Thái Bình

Sản phẩm CNHT là sản phẩm của các ngành vật liệu, phụ tùng, linh kiện, phụ kiện, bán thành phẩm sản xuất tại Việt Nam để cung cấp cho khâu lắp ráp, sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh.

CNHT được phân loại thành ngành sản xuất và phân loại theo doanh nghiệp tham gia. Phân loại theo ngành sản xuất gồm các ngành cứng như sản xuất nguyên vật liệu và linh kiện...; các ngành mềm như thiết kế sản phẩm, mua sắm và marketing quốc tế, viễn thông, vận tải, năng lượng, cấp nước...; và các ngành phục vụ nhu cầu nội địa như thép, hóa chất, xi măng, giấy... Phân loại CNHT theo doanh nghiệp có các nhà sản xuất, cung ứng linh kiện, thiết bị, máy móc ở nước ngoài; các nhà sản xuất, cung ứng linh kiện, thiết bị, máy móc nước ngoài ở thị trường trong nước và các nhà sản xuất, cung ứng linh kiện, thiết bị, máy móc ở nội địa.

Vai trò của phát triển công nghiệp hỗ trợ:

1. Phát triển công nghiệp hỗ trợ tạo ra giá trị gia tăng cho ngành công nghiệp: Giúp tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp chính và quá trình công nghiệp hóa; là nền tảng và cơ sở cho sự phát triển sản xuất công nghiệp. Chất lượng sản phẩm đầu ra cuối cùng của các sản phẩm công nghiệp phụ thuộc vào chất lượng các sản phẩm chi tiết, linh kiện được cung cấp bởi ngành công nghiệp hỗ trợ. Do vậy nếu công nghiệp hỗ trợ kém phát triển thì ngành công nghiệp chính sẽ thiếu sức cạnh tranh và phạm vi cũng sẽ bị giới hạn trong một số ít các ngành.

2. Phát triển công nghiệp hỗ trợ thực hiện hội nhập nền công nghiệp toàn cầu: Hiện nay, các công ty đa quốc gia, xuyên quốc gia hàng đầu thế giới (TNCs, MNCs) có tầm ảnh hưởng rất rộng lớn và chi phối các hoạt động sản xuất công nghiệp trên thế giới.  Trong xu thế đó, các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam cũng không tránh khỏi sự chi phối, điều tiết này. Doanh nghiệp các nước đang phát triển cần có quá trình tiệm tiến, tương thích, hợp tác với các TNCs, MCNs nói trên và nỗ lực vươn lên trên đối thủ cạnh tranh ở các nước có cùng trình độ phát triển khác thông qua phát triển các ngành công nghiệp và ngành công nghiệp hỗ trợ chính là động lực để thực hiện mục tiêu đó. Trong chuỗi giá trị của sản phẩm công nghiệp, sự tách rời một bộ phận sản xuất của ngành công nghiệp thành CNHT tạo điều kiện để ngành này phục vụ được nhiều loại doanh nghiệp khác nhau. Doanh nghiệp các nước đang phát triển chỉ thành công khi các quan hệ hợp tác được thiết lập, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ sẽ là một bộ phận không tách rời, cấu thành trong các sản phẩm của các TNCS, MNCs.

3. Phát triển công nghiệp hỗ trợ thúc đẩy quá trình phân công lao động: Trên bình diện phân công lao động, CNHT ra đời do yêu cầu của phân công lao động xã hội và phát triển CNHT tương tác trở lại, thúc đẩy phân công lao động trong nước và quốc tế. Do sự chuyên môn hóa sâu, chuyên tâm vào lĩnh vực của mình và kết hợp với sự hợp tác chặt chẽ nên sẽ tăng năng suất lao động và hiệu quả theo hướng tập trung chuyên môn hóa vào các công đoạn sản xuất hoặc chi tiết sản xuất có thế mạnh của doanh nghiệp.

4. Phát triển công nghiệp hỗ trợ tạo nên tính ổn định, bền vững cho sản xuất các sản phẩm hoàn chỉnh cuối cùng: Từ vai trò hỗ trợ cho việc sản xuất các sản phẩm hoàn thiện cuối cùng, sự phát triển của CNHT hoàn thiện với công nghệ kỹ thuật cao đạt chuẩn quốc tế đảm bảo cho doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp dễ dàng cung cấp sản phẩm hỗ trợ có tính tương đồng cho các ngành công nghiệp hạ nguồn trong nước cũng như nước ngoài. Đồng thời, phát triển công nghiệp hỗ trợ bảo đảm doanh nghiệp phát triển nhanh sản phẩm mới, mở rộng sản xuất và tăng sản lượng.

5. Phát triển công nghiệp hỗ trợ tạo điều kiện thu hút đầu tư: Công nghiệp hỗ trợ có vai trò rất quan trọng trong việc thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. Với mục tiêu đạt hiệu quả kinh tế, hiệu quả sản xuất kinh doanh lên hàng đầu, các Nhà đầu tư sẽ tính đến nhiều yếu tố tạo nên một môi trường đầu tư thuận lợi, trong đó công nghiệp hỗ trợ là yếu tố mang tính thuyết phục để các Nhà đầu tư nước ngoài xem xét, đưa ra quyết định đầu tư của mình.

6. Phát triển công nghiệp hỗ trợ khuyến khích ứng dụng, sử dụng khoa học công nghệ cao: kéo theo việc thực hiện chuyển giao công nghệ của các ngành CNHT và các lĩnh vực đầu tư của các TNCs, MNCs, người lao động sẽ có cơ hội được tiếp xúc với công nghệ tiên tiến, nâng cao tay nghề. Phát triển CNHT giúp tiếp thu chuyển giao công nghệ và là con đường nhanh nhất biến ngoại lực thành nội lực.

7. Phát triển công nghiệp hỗ trợ góp phần làm tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp và hạn chế nhập siêu, đảm bảo tính chủ động cho sản xuất công nghiệp: Phát triển công nghiệp hỗ trợ mạnh mẽ, thì nguồn nguyên liệu, chi tiết (sản phẩm nhỏ) đầu vào phục vụ cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp có được sự lựa chọn tại chỗ (trong nước), hạn chế nhập siêu, giảm sự phụ thuộc vào các nước, đảm bảo cân bằng cán cân xuất nhập khẩu, cắt giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành, tăng năng lực cạnh tranh. Mặt khác, việc chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào làm cho nền kinh tế chủ động, không bị lệ thuộc nhiều vào nước ngoài và các biến động của nền kinh tế toàn cầu.

Ngoài ra, phát triển CNHT là điều kiện đủ để phát triển các cụm liên kết ngành - công cụ rất hữu hiệu giúp nâng cao cạnh tranh, đổi mới công nghệ và phát triển kinh tế vùng - thông qua xây dựng mạng lưới các nhà cung ứng sản phẩm đầu vào cho các doanh nghiệp.

Dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH Logitex (cụm công nghiệp Vũ Ninh, Kiến Xương)

Xu thế phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ ở tỉnh Thái Bình.

Đến nay, trên toàn tỉnh thu hút được 127 dự án sản xuất công nghiệp hỗ trợ, tập trung chủ yếu vào các ngành dệt may (71 dự án), điện tử (24 dự án); chưa thu hút được nhiều dự án công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí (17 dự án) và sản xuất sứ vệ sinh (15 dự án).

Điển hình có một số dự án công nghiệp hỗ trợ đã đầu tư của các doanh nghiệp vừa và nhỏ như sau: Ngành sản xuất xơ, sợi có dự án đầu tư của Công ty CP sợi Comfotable, Công ty TNHH Logitex, Công ty CP sợi Eiffel, Công ty TNHH sợi Trà Lý, Công ty TNHH sợi An Nam, Công ty TNHH xơ sợi polyeste Hợp Thành... Ngành điện, điện tử có dự án đầu tư của Công ty TNHH Yazaki, Công ty TNHH Johoku, Công ty TNHH Greenwood, Công ty TNHH Oshung Việt Nam... Ngành vật liệu xây dựng có dự án đầu tư của Công ty TNHH kính Tiền Châu, Công ty TNHH Thái Sơn Big...

Do Dịch Covid - 19 và ảnh hưởng của chiến tranh Nga - Ukraine trong thời gian qua, ngành công nghiệp của tỉnh gặp nhiều khó khăn, bị ảnh hưởng do thiếu nguyên liệu sản xuất, thu hẹp thị trường tiêu thụ, bộc lộ hạn chế trong việc phụ thuộc vào nguyên vật liệu nhập khẩu khi các đối tác cung cấp nguyên phụ liệu không thể giao hàng, giao hàng chậm làm ảnh hưởng đến năng lực sản xuất của ngành. Để hướng tới hình thành chuỗi sản xuất công nghiệp, tỉnh Thái Bình đã đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư tại thị trường nước ngoài (Nhật Bản, Hàn Quốc, EU...) và xây dựng Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn đến năm 2025.

Mục tiêu phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ tỉnh Thái Bình:

- Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cung ứng khoảng 30% - 40% nhu cầu nguyên liệu cho ngành sản xuất công nghiệp của tỉnh.

- Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn năm 2021-2025 đạt 9,5%/năm và giai đoạn 2026-2030 đạt từ 10 - 11%/năm. 

- Ngành CNHT cơ khí - luyện kim: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn năm 2021 - 2025 đạt 11-13%; giai đoạn đến năm 2030 đạt 12-13%; giá trị sản xuất công nghiệp năm 2025: đạt khoảng 10.650 tỷ đồng.

- Ngành CNHT điện - điện tử: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn năm 2021-2025 đạt 14-15%; giá trị sản xuất công nghiệp năm 2025 đạt khoảng 8.460 tỷ đồng.

- Ngành CNHT dệt may - da giầy: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn năm 2021-2025 đạt 9-11%; giá trị sản xuất công nghiệp năm 2025 đạt khoảng 18.650 tỷ đồng.

- Ngành CNHT vật liệu xây dựng: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn năm 2021-2025 đạt 5-7%. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2025 đạt khoảng 1.060 tỷ đồng.

Hy vọng rằng, trong thời gian tới, tỉnh Thái Bình sẽ là điểm đến của nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong nước có cơ hội được hội nhập, làm chủ công nghệ sản xuất từ các nước tiên tiến trên thế giới (chuyển giao công nghệ), chủ động trong sản xuất kinh doanh, tăng giá trị sản phẩm và năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế./.


Tác giả: Trần Quốc Hùng
Nguồn:socongthuong.thaibinh.gov.vn Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Chưa có thông tin