A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tình hình thu hút đầu vào cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình

Thời gian qua,công tác quy hoạch, đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp được tỉnh, các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo.Thu hút đầu tư hạ tầng CCN thời gian qua tăng nhanh cả về số lượng dự án, quy mô dự án, đồng thời lĩnh vực đầu tư ngày càng đa dạng hơn, cơ bản các Cụm công nghiệp (CCN) đều có nhà đầu tư hạ tầng được chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc đăng ký xin nghiên cứu đầu tư.

Hội thảo tư vấn, phản biện Phương án Phát triển cụm công nghiệp tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021 - 2030.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 45 cụm công nghiệp được thành lập, với tổng diện tích 2.380,7 ha; có 41 CCN đã quy hoạch chi tiết với tổng diện tích là 1.723,7 ha.Và theo Phương án phát triển cụm công nghiệp tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Bộ Công Thương thống nhất thỏa thuận để chờ tích hợp vào Quy hoạch tỉnh, có 61 cụm, diện tích 3.759.1 ha (bổ sung thêm 12 cụm).

Tính đến 30/4/2021, các CCN đã thu hút được 439 dự án đăng ký đầu tư với tổng số vốn đăng ký là 29.112 tỷ đồng, số lao động đăng ký sử dụng là 76.308 người; hiện có 281 dự án đi vào sản xuất, 54 dự án đang xây dựng, 67 dự án chưa xây dựng, 27 dự án ngừng hoạt động; vốn đầu tư thực hiện là 20.702 tỷ đồng (đạt 71,11% vốn đăng ký), sử dụng 50.990 lao động. Năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp đạt 18.939 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 155,92 triệu USD, nộp ngân sách năm 2020 đạt 269,6 tỷ đồng.

Về kết quả thu hút nhà đầu tư hạ tầng:

Hiện có 24 CCN có nhà đầu tư hạ tầng đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư ( Vũ Thư 07 CCN, Đông Hưng 02, Thái Thụy 03, Kiến Xương 03, Quỳnh Phụ 03, Tiền Hải 02, Hưng Hà 04); 06 CCN có nhà đầu tư xin đăng ký nghiên cứu đầu tư hạ tầng (Thái Thụy 01, Kiến Xương 02, Tiền Hải 01, Hưng Hà 01). Còn lại 16 cụm công nghiệp giao cho Trung tâm phát triển cụm công nghiệp huyện, thành phố làm chủ đầu tư hạ tầng.

Huyện Vũ Thư: có 7/7 CCN có nhà đầu tư hạ tầng đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư (CCN Thị trấn Vũ Thư (mở rộng), CCN Tam Quang, CCN Minh Lãng, CCN Nguyên Xá (mở rộng), CCN Vũ Hội (mở rộng), CCN Phúc Thành (mở rộng), CCN Tân Minh (mở rộng) có nhà đầu tư đăng ký đầu tư hạ tầng. Trung tâm phát triển cụm công nghiệp huyện Vũ Thư quản lý phần hiện trạng các cụm công nghiệp: CCN Thị trấn Vũ Thư, CCN Nguyên Xá, CCN Vũ Hội, CCN Phúc Thành và CCN Tân Minh.

Huyện Đông Hưng: có 2/9 CCN có nhà đầu tư hạ tầng được phê duyệt chủ trương đầu tư (CCN Đông La, CCN Đô Lương), có 01 nhà đầu tư hạ tầng đang  trình phê duyệt chủ trương đầu tư (CCN Đông Phong). Trung tâm phát triển cụm công nghiệp huyện Đông Hưng quản lý 4 CCN (CCN Xuân Động, CCN Nguyên Xá, CCN Đông Các, CCN Mê Linh) và phần hiện trạng CCN Đông La, còn lại CCN Hồng Việt và CCN Phong Châu chưa thành lập.

Huyện Thái Thụy: có 3/7 CCN có nhà đầu tư hạ tầng được phê duyệt chủ trương đầu tư (CCN Thụy Sơn, CCN Thái Dương, CCN Trà Linh), CCN Thụy Văn có nhà đầu tư đăng ký đầu tư hạ tầng. CCN Thái Thọ do Ban quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh quản lý. Trung tâm phát triển cụm công nghiệp huyện Thái Thụy quản lý CCN  Mỹ Xuyên, CCN Thụy Tân.

Huyện Kiến Xương: có 3/6 CCN có nhà đầu tư hạ tầng được phê duyệt chủ trương đầu tư (CCN Trung Nê, CCN Vũ Quý, CCN Cồn nhất);01 CCN có nhà đầu tư hạ tầng đang trình phê duyệt chủ trương đầu tư (CCN Bình Minh); 01 CCN có nhà đầu tư đăng ký đầu tư hạ tầng (CCN Thanh Tân phần mở rộng), còn lại phần hiện trạng của CCN Vũ Ninh, CCN Vũ Quý và CCN Thanh Tân do Trung tâm phát triển cụm công nghiệp huyện Kiến Xương quản lý.

Huyện Quỳnh Phụ: có 3/5 CCN có nhà đầu tư hạ tầng (CCN Quỳnh Giao, CCN Quý Ninh, CCN Đông Hải), còn lại 2 CCN (CCN Quỳnh Côi, CCN Đập Neo) do Trung tâm phát triển cụm công nghiệp huyện Quỳnh Phụ quản lý.

Huyện Tiền Hải: có 2/5 CCN có nhà đầu tư hạ tầng được phê duyệt chủ trương đầu tư (CCN An Ninh, CCN Nam Hà), 01 CCN có nhà đầu tư hạ tầng đang trình phê duyệt chủ trương đầu tư (CCN Tây An phần mở rộng), còn 2 CCN (CCN Cửa Lân, CCN Trà Lý) và phần hiện trạng CCN Tây An do Trung tâm phát triển cụm công nghiệp huyện quản lý.

Huyện Hưng Hà: có 4/8 CCN có nhà đầu tư hạ tầng được phê duyệt chủ trương đầu tư hạ tầng (CCN Thống Nhất, CCN Đồng Tu mở rộng, CCN Hưng Nhân phần mở rộng, CCN Đức Hiệp), 01 CCN có nhà đầu tư đang trình phê duyệt chủ trương đầu tư đầu tư hạ tầng (CCN Tiền Phong), còn lại do Trung tâm phát triển cụm công nghiệp huyện quản lý (CCN Thái Phương, CCN Đồng Tu phần hiện trạng, CCN Hưng Nhân phần hiện trạng).

Thành phố: có 2/2 CCN do Trung tâm phát triển CCN Thành phố quản lý và làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật.

Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu

          Bên cạnh những mặt đã đạt được còn những hạn chế khó khăn vướng mắc của nhà đầu tư như:công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng một số cụm công nghiệp còn chậm so với quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư,  nhiều CCN chưa triển khai đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, chưa hình thành được các CCN liên kết ngành, liên kết vùng trong và ngoài tỉnh, đầu tư kết cấu hạ tầng các CCN còn chưa đồng bộ... Để khắc phục được những hạn chế vướng mắt trên, cần phải tập trung thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau:rà soát lại các dự án đã được chấp nhận đầu tư;

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao tinh thần trách nhiệm, chất lượng trong việc tư vấn, hướng dẫn, giải quyết các thủ tục hành chính cho nhà đầu tư; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại các cụm công nghiệp và các doanh nghiệp thứ cấp trong CCN; Phối với nhà đầu tư hạ tầng tập trung chỉ đạo đẩy nhanh công tác đền bù giải phóng mặt bằng (đề xuất cưỡng chế nếu cần thiết) để sớm giao đất cho nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cụm công nghiệp giai đoạn theo Phương án phát triển CCN giai đoạn 2021-2030 đã được Bộ Công Thương thống nhất thỏa thuận. Đề xuất giải pháp đầu tư hệ thống thu gom, xử lý chất thải, nước thải tập trung đối với các cụm công nghiệp do huyện, thành phố quản lý (toàn bộ hoặc một phần diện tích CCN) chưa có nhà đầu tư hạ tầng. Căn cứ khả năng thu hút đầu tư và nguồn vốn đầu tư lựa chọn cụm công nghiệp để tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình bảo vệ môi trường; ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình đầu tư, xây dựng và hoạt động trong các khu, cụm công nghiệp; thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trên địa bàn;

Đẩy mạnh công tác xúc tiến kêu gọi các nhà đầu tư thứ cấp; ưu tiên thu hút ngành công nghiệp công nghệ cao, sạch, tiêu tốn ít năng lượng và các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, phát triển bền vững; phù hợp với lĩnh vực, ngành, nghề đầu tư vào cụm công nghiệp đã được quy định tại Quyết định số 830/QĐ-UBND ngày 29/3/2021 của UBND tỉnh.

     Thực hiện nghiêm nghĩa vụ của chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN theo quy định của nhà nước và của UBND tỉnh. Khẩn trương hoàn thiện các thủ tục về đất đai, môi trường, triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật để thu hút các dự án đầu tư thứ cấp./.                                                                                                                                          Đặng Đình Chương


Tác giả: So Cong Thuong
Nguồn:socongthuong.thaibinh.gov.vn Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết