A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp nhằm đẩy nhanh phát triển kinh tế xã hội, tạo lập môi trường đầu tư, những năm qua Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình giao Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chuẩn bị nội dung Hội nghị gặp mặt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp.

1. Giải quyết khó khăn, vướng mắc doanh nghiệp năm 2021:

Tính đến ngày 31/5/2021, Sở Công thương tổng hợp có 66 kiến nghị, đã trả lời 57 kiến nghị, còn 9 kiến nghị và 13 kiến nghị của các doanh nghiệp trước đây chưa được các sở, ngành, địa phương trả lời, đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo tại cuộc họp ngày 14/6/2021 như sau:

- 57 kiến nghị của doanh nghiệp đã có trả lời: yêu cầu các sở, ngành, địa phương rà soát, điều chỉnh lại nội dung trả lời, gửi trực tiếp cho doanh nghiệp và Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh.

- 9 kiến nghị và 13 kiến nghị của các doanh nghiệp trước đây chưa trả lời: các sở, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu tiếp tục trả lời gửi trực tiếp cho doanh nghiệp có kiến nghị và Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh

- Các văn bản trả lời xong trước ngày 30/6/2021, đồng thời giao Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh là đầu mối theo dõi, đôn đốc, tổng hợp kết quả trả lời để đưa vào nội dung báo cáo hàng tháng của Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Giải quyết khó khăn, vướng mắc doanh nghiệp năm 2022:

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 116/VP-CTXDGT ngày 02/3/2022 về việc chuẩn bị nội dung Hội nghị gặp mặt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp năm 2022, Sở Công thương có văn bản gửi Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đã tổng hợp trên 50 ý kiến đề xuất, kiến nghị, đồng thời có văn bản gửi các sở ngành liên quan, UBND huyện, Thành phố trả lời, sau đây là tổng hợp một số nội dung.

2.1. Về kiến nghị và trả lời kiến nghị:

- Về vốn: Có 04 ý kiến của doanh nghiệp với ngân hàng về vốn. Các ý kiến tập trung chủ yếu vào một số vấn đề về giảm lãi suất vay, nâng hạn mức vay, kéo dài thời gian trả nợ, hỗ trợ lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp do bị ảnh hưởng của dịch Covid.

Các ý kiến trên đã được Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thái Bình có văn bản trả lời, giải đáp doanh nghiệp.

- Về giải phóng mặt bằng: Có 06 ý kiến của doanh nghiệp. Các ý kiến tập trung vào việc khó đền bù GPMB do người dân không đồng thuận đòi giá cao, thủ tục đấu nối giao thông tại Quốc lộ 10 do chưa có đường gom làm ảnh hưởng đến thủ tục giao đất, cho thuê đất (Công ty TNHH vận tải thuỷ bộ Hải Hà).

Các ý kiến đã được UBND các huyện, thành phố trả lời, giải đáp doanh nghiệp.

- Về khí mỏ, điện: Có 04 ý kiến của doanh nghiệp.

+ Về khí: Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp Tiền Hải (Công ty CP gốm sứ Thái Bình, Công ty sứ Hảo Cảnh, Công ty sứ Đông Lâm, Công ty Pha lê Việt Tiệp, Công ty CP Xuân Sinh, Công ty CP Ceravi - Nhà máy sứ cao cấp Ceravi, Công ty CP Thiết bị điện Tiền Hải, Công ty CP Viglacera Tiên Sơn, Công ty Asaki Việt Nam, Công ty gạch men sứ Thanh Hải, Công ty Minh Thịnh) kiến nghị có những chính sách, tháo gỡ khó khăn để giá khí hợp lý, bằng hoặc thấp hơn giá bán của các doanh nghiệp Miền Nam.

Các ý kiến đã được Văn phòng UBND tỉnh và Xí nghiệp phân phối khí thấp áp Miền Bắc trả lời, giải đáp doanh nghiệp.

+ Về Điện: Công ty TNHH SX-KD sứ Hảo Cảnh (KCN Tiền Hải) kiến nghị kéo dài thời gian thanh toán tiền điện lên 30 ngày. Chi nhánh Công ty TNHH Sao Vàng tại Quỳnh Phụ kiến nghị xin hoãn, miễn bảo lãnh thực hiện Hợp đồng mua bán điện đến khi tình hình dịch bệnh được ổn định.

Các ý kiến đã được Công ty Điện lực Thái Bình có văn bản trả lời, giải đáp doanh nghiệp.

- Về cơ chế, chính sách: Có 06 ý kiến của doanh nghiệp. Các ý kiến tập trung vào hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, thương mại hóa kết quả khoa học và công nghệ; hỗ trợ, khuyến khích ứng dụng, đổi mới công nghệ (theo chính sách quy định tại Điều 14, Nghị định số 13/2019/NĐ-CP của Chính phủ), hỗ trợ vốn khuyến công, cơ chế giảm tiền thuê đất cho các doanh nghiệp, cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp do dịch bệnh Covid-19, đối trừ tiền hỗ trợ bồi thường giải phóng mặt bằng.

Các ý kiến đã được Cục Thuế tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công Thương, UBND Thành phố Thái Bình trả lời, giải đáp doanh nghiệp.

- Về thuế: Có 02 ý kiến của doanh nghiệp về lĩnh vực thuế. Trong đó tập trung vào việc điều chỉnh giảm giá đất, đơn giá thuê đất và nguyên tắc tính tiền thuê đất, miễn giảm tiền thuê đất. Các ý kiến trên đã được Cục thuế tỉnh có văn bản trả lời, giải đáp doanh nghiệp.

- Về thủ tục hành chính: Có 10 ý kiến của doanh nghiệp. Các ý kiến tập trung vào gỡ bỏ cách ly đối với đối tượng là F1, hướng dẫn thủ tục hưởng chế độ trợ cấp BHXH đối với lao động là F0, F1 phải cách ly; hướng dẫn hồ sơ xin hỗ trợ kinh phí dịch chuyển đường ống dẫn nước sạch sinh hoạt, điều chỉnh cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH đối với các trường hợp F0 điều trị tại nhà, cấp giấy nghỉ hưởng BHXH cho người lao động sau khi điều trị Covid 19.

Các ý kiến trên đã được Sở Công Thương, Sở Y tế, BHXH tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý KKT và các KCN, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND Thành phố Thái Bình trả lời, giải đáp doanh nghiệp.

- Về môi trường: Có 04 ý kiến của doanh nghiệp. Các kiến nghị tập trung vào hướng dẫn, chỉ đạo phương án xử lý rác thải y tế "Kit Test nhanh kháng nguyên Sars-CoV-2", thủ tục vận hành trạm xử lý nước thải tập trung, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho nhà đầu tư thứ cấp, ô nhiễm môi trường trong khu công nghiệp Tiền Hải (Công ty TNHH Minh Dũng), xử lý hệ thống thoát nước tại phố Bùi Sĩ Tiêm đến phố Trần Thái Tông, Thành phố (Công ty CP cơ khí xây lắp Thái Bình).

Các ý kiến đã được Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng UBND tỉnh, UBND Thành phố Thái Bình trả lời, giải đáp doanh nghiệp.

- Về đất đai: Có 08 ý kiến của doanh nghiệp. Các kiến nghị tập trung vào địa điểm cửa hàng kinh doanh xăng dầu phải di dời (Công ty TNHH MTV Xăng dầu Thái Bình), chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bố trí kế hoạch sử dụng đất, các thủ tục về đất đai, phạm vi ranh giới trong khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh (Công ty TNHH cơ khí ô tô An Thái).

Các ý kiến đã được Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý KKT và các KCN trả lời, giải đáp doanh nghiệp.

- Về giao thông: Có 01 ý kiến của Chi nhánh Công ty TNHH Yazaki Hải Phòng Việt Nam (KCN Sông Trà) kiến nghị đoạn đường từ KCN Sông Trà lên đê Trà Lý rất xấu, gồ ghề, đọng nước, nhiều ổ gà.

Ý kiến trên đã được Sở Giao thông Vận tải trả lời, giải đáp doanh nghiệp.

- Kiến nghị khác: Có 07 ý kiến của doanh nghiệp, các ý kiến tập trung vào việc cấp phép đầu tư kinh doanh xăng dầu (theo quy định tại Văn bản số 4634/UBND-KTĐT ngày 31/12/2019 của UBND tỉnh), tăng giá nước sạch sinh hoạt nông thôn, xây dựng mở rộng hồ nước thô để hạn chế nước mặn xâm nhập.

Các ý kiến đã được Sở Công Thương, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp & PTNT, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý KKT và các KCN trả lời, giải đáp doanh nghiệp.

2.2. Nhận xét, đề xuất kiến nghị:

Những kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực đã được UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương quan tâm giải quyết. Thông qua Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp, những nội dung trả lời mà doanh nghiệp chưa rõ, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục làm rõ; các cơ quan chức năng của tỉnh tiếp tục nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để cùng chung sức tạo môi trường đầu tư thuận lợi, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh và định hướng thu hút đầu tư của tỉnh.

Thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt thực hiện các biện pháp nhằm cải cách thủ tục hành chính, ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, thực hiện các chính sách ưu đãi về thuế, vốn vay ngân hàng để doanh nghiệp tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; đặc biệt chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh công tác đền bù giải phóng mặt bằng (thực hiện cưỡng chế khi đủ điều kiện theo quy định của pháp luật) để sớm giao đất cho nhà đầu tư hạ tầng (Chỉ thị số 08-CT/TU ngày 05/7/2021 của Ban Thường vụ tỉnh ủy, Kế hoạch số 116/KH-UBND ngày 18/08/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh). Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố nghiêm túc thực hiện quy định về quy hoạch, đất đai, xây dựng, môi trường, đăng ký kinh doanh, đầu tư và các thủ tục hành chính liên quan tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động; tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính, nhờ đó việc xúc tiến đầu tư đạt hiệu quả cao nhất là trong các lĩnh vực mà tỉnh đang có lợi thế như dệt may, nông nghiệp công nghệ cao, nuôi trồng và chế biến nông sản thực phẩm...

Tuy nhiên, qua nội dung trả lời ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp cho thấy một số sở, ban, ngành, địa phương đối với một số vướng mắc chưa thực sự có biện pháp cụ thể và hiệu quả trong việc xử lý những vấn đề phát sinh; việc giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp còn chậm; một số nội dung trả lời còn chưa sát với kiến nghị đề xuất của doanh nghiệp.

Đối với doanh nghiệp, nhìn chung các doanh nghiệp trong thời gian qua đã tích cực vượt khó, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 có sự hợp tác chặt chẽ với nhau trên cơ sở quy định của pháp luật để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển; đồng thời, thực hiện đầy đủ trách nhiệm của doanh nghiệp đối với Nhà nước, với xã hội. Tuy nhiên, các đề xuất kiến nghị của doanh nghiệp mới chỉ tập trung vào các vụ việc cụ thể của từng doanh nghiệp mà chưa đề xuất được những ý kiến đóng góp mang tính bao quát tổng thể.

Thời gian tới, để thực hiện có hiệu quả việc giải quyết các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, đề nghị UBND tỉnh tiếp tục tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tăng cường đối thoại, nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết; nghiêm túc thực hiện các giải pháp về cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tỉnh Thái Bình. Duy trì đường dây nóng để tiếp nhận những phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp đối với Chính quyền. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các cơ chế chính sách, thủ tục hành chính của tỉnh đến các doanh nghiệp thông qua hệ thống phương tiện thông tin đại chúng, Cổng thông tin điện tử của tỉnh và của các sở, ngành, đồng thời tiếp tục làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra xử lý những vi phạm trong hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh để tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho các doanh nghiệp./.


Tác giả: Thái Sơn
Nguồn:socongthuong.thaibinh.gov.vn Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết