Phát triển công nghiệp hỗ trợ để tăng cường sự liên kết trong chuỗi cung ứng của các ngành công nghiệp chủ lực; tăng tỷ lệ nội địa hoá và hướng tới hình thành chuỗi giá trị.
Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới, góp phần đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao giá trị gia tăng của ngành công nghiệp. Chính vì vậy, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 06/8/2020, về các giải pháp thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ, quy định 07 nhiệm vụ, giải pháp chung: hoàn thiện cơ chế, chính sách; đảm bảo và huy động hiệu quả nguồn lực phát triển công nghiệp hỗ trợ; giải pháp về tài chính, tín dụng; phát triển chuỗi giá trị trong nước; phát triển và bảo vệ thị trường; nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; thông tin truyền thông, thống kê và cơ sở dữ liệu.
Trong những năm qua, tỉnh Thái Bình đã và đang ưu tiên khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ để cung cấp nguyên liệu, các chi tiết, sản phẩm (chưa hoàn thiện) tại chỗ cho các ngành công nghiệp mũi nhọn của tỉnh như sản xuất dệt may, cơ khí, điện điện tử, vật liệu xây dựng nhằm nâng cao năng suất lao động, tăng giá trị sản phẩm và năng lực cạnh tranh các doanh nghiệp,... Mục tiêu là đến năm 2025, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng khoảng 30% - 40% nhu cầu sản xuất công nghiệp trong tỉnh. Đến nay, trên toàn tỉnh có khoảng 129 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tập trung chủ yếu vào các ngành dệt may, điện tử; chưa thu hút được nhiều dự án công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí và sản xuất xứ vệ sinh, cụ thể:
Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí trên địa bàn tỉnh hiện nay chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Năm 2020, có 21 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh, chiếm tỷ lệ 11,8% tổng số doanh nghiệp ngành cơ khí (178 doanh nghiệp), trong đó có 04 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và 17 doanh nghiệp trong nước.
Công nghiệp hỗ trợ ngành thiết bị điện, điện tử có 12 doanh nghiệp, chiếm tỷ lệ 75% tổng số doanh nghiệp ngành thiết bị điện, điện tử, trong đó có 6 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (chiếm 50%), số còn lại là các cơ sở sản xuất trong nước.
Ngành công nghiệp dệt may, da giầy hiện đang là ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nhất của tỉnh với 451 doanh nghiệp, trong đó số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành này là 40 doanh nghiệp, chiếm tỷ lệ 8,9% tổng số doanh nghiệp ngành dệt may, da giầy toàn tỉnh, trong đó có 5 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và 35 doanh nghiệp trong nước. Đợt dịch Covid - 19 vừa qua đã bộc lộ hạn chế trong việc phụ thuộc vào nguyên vật liệu nhập khẩu khi các đối tác cung cấp nguyên phụ liệu không thể giao hàng, giao hàng chậm làm ảnh hưởng đến năng lực sản xuất của ngành. Bên cạnh đó, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may - một trong những thế mạnh của tỉnh Thái Bình còn có thể tận dụng được các ưu đãi thuế theo các FTA thế hệ mới như CPTPP hay EVFTA. Yêu cầu về quy tắc xuất xứ từ sợi, vải trở đi khiến các doanh nghiệp dệt may buộc phải tập trung phát triển theo toàn bộ chuỗi, hình thành nên chuỗi giá trị. Đây là cơ hội cho ngành dệt may phát triển bền vững, hình thành chuỗi giá trị.
Không chỉ riêng ngành dệt may, tỉnh Thái Bình cũng đang tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ để tăng tỷ lệ nội địa hoá các ngành thế mạnh của tỉnh, các ngành có hàm lượng kỹ thuật, công nghệ cao. Để hướng tới hình thành chuỗi giá trị trong công nghiệp, tỉnh đã tạo điều kiện hình thành các Khu công nghiệp, cụm công nghiệp; thu hút nhà đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật; ưu tiên thu hút các dự án đầu tư vào các ngành công nghiệp hỗ trợ có công nghệ tiên tiến để giải quyết hạn chế về việc phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu từ đó giúp nâng cao giá trị gia tăng, tăng cường sự liên kết trong chuỗi cung ứng của các ngành công nghiệp chủ lực.
Trong thời gian tới, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ, tỉnh sẽ xây dựng Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ phù hợp với quy định và tận dụng các thế mạnh, tiềm năng của tỉnh để phát triển công nghiệp hỗ trợ một cách bền vững.