A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kết quả thực hiện Nghị định số 68/2017/NĐ-CP và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp tại Thái Bình

 

Sau 5 năm thực hiện  Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp, Nghị định số 66/2020/NĐ-CP ngày 11/6/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp, Thông tư số 28/2020/TT-BCT ngày 16/11/2020 của Bộ Công Thương Quy định, hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP ngày 11/6/2020 của Chính phủ Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP, Thái Bình đã triển khai thực hiện và đạt một số kết quả như sau:

1. Về quy hoạch, thành lập cụm công nghiệp:

Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo cho Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tham mưu xây dựng Phương án phát triển cụm công nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ngày 18/3/2021, Bộ Công Thương đã có Văn bản số 1470/BCT-CTĐP thống nhất thỏa thuận Phương án phát triển cụm công nghiệp tỉnh Thái Bình, chờ tích hợp vào Quy hoạch tỉnh, theo Phương án tỉnh Thái Bình có 61 cụm, với tổng diện tích 3.759,1 ha (bổ sung thêm 12 cụm).

Hiện tỉnh Thái Bình đang triển khai xây dựng Quy hoạch tỉnh, nên Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình tiếp tục giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với cơ quan  tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung các cụm công nghiệp vào Phương án phát triển cụm công nghiệp để tích hợp vào quy hoạch tỉnh theo quy định.

Đến nay, tỉnh Thái Bình có 46 cụm công nghiệp được thành lập với tổng diện tích 2.353,6 ha; 44 CCN đã quy hoạch chi tiết với tổng diện tích là 1.869 ha; trong đó, diện tích đất công nghiệp là 1.280 ha, diện tích đất đã thu hồi 667,4 ha; diện tích đất đã cho thuê là 498,9 ha, đạt tỷ lệ 39% diện tích đất công nghiệp và đạt 74,8% diện tích đất thu hồi.

Các CCN đã thu hút được 462 dự án đầu tư vào cụm công nghiệp đầu tư với tổng số vốn đăng ký là 29.112 tỷ đồng, số lao động đăng ký sử dụng là 76.308 người; vốn đầu tư thực hiện là 20.702 tỷ đồng (đạt 71,11% vốn đăng ký), sử dụng 54.642 lao động; nộp ngân sách trên 420 tỷ đồng.

2. Về mô hình chủ đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp:

Tỉnh Thái Bình có 3 loại mô hình chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, gồm: Cụm công nghiệp do UBND cấp huyện là chủ đầu tư quản lý; cụm công nghiệp do các doanh nghiệp là chủ đầu tư quản lý; cụm công nghiệp phần hiện trạng do UBND cấp huyện là chủ đầu tư quản lý và phần mở rộng do doanh nghiệp là chủ đầu tư quản lý. Trong số 46 cụm được thành lập, có 18 cụm công nghiệp có nhà đầu tư hạ tầng là doanh nghiệp, 28 cụm công nghiệp giao cho UBND cấp huyện quản lý một phần hoặc toàn bộ; trong đó có 14 cụm công nghiệp do UBND cấp huyện quản lý một phần (Vũ Thư 04, Đông Hưng 04, Kiến Xương 01; Quỳnh Phụ 02, Tiền Hải 01, Hưng Hà 02); 14 cụm công nghiệp do UBND cấp huyện quản lý toàn bộ (Đông Hưng 02, Thái Thụy 02, Kiến Xương 02, Quỳnh Phụ 02, Tiền Hải 02, Hưng Hà 01, Thành phố 02).

      (Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình kiểm tra tiến độ đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tại CCN Đông La, huyện Đông Hưng)

3. Về tổ chức thực hiện quy chế quản lý Cụm công nghiệp:

Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình đã ban hành Quyết định số 30/2021/QĐ-UBND ngày 28/12/2021 về việc ban hành quy chế quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Khi Quyết định 30/2021/QĐ-UBND được ban hành, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo cho các sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả Quy chế quản lý cụm công nghiệp và đạt được một số kết quả sau:

Đã hoàn thành việc xây dựng Phương án Phát triển cụm công nghiệp tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và được Bộ Công Thương thống nhất thỏa thuận tại Văn bản 1470/BCT-CTĐP ngày 18/3/2021; chờ tích hợp vào quy hoạch tỉnh theo quy định.

Việc thành lập, mở rộng các cụm công nghiệp được thực hiện đúng trình tự, thủ tục quy định: Thành lập Hội đồng; tổ chức họp Hội đồng đánh giá, lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng bằng phương pháp chấm điểm theo quy định; tổ chức thẩm định hồ sơ đề nghị thành lập, mở rộng cụm công nghiệp theo các nội dung quy định tại Điều 13, Nghị định số 68/2017/NĐ-CP của Chính phủ; Đến nay đã thành lập, mở rộng 07 cụm công nghiệp theo quy định tại Nghị định số 68 và Nghị định số 66.

Việc thẩm định quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 68 và Nghị định số 66 và quy chế quản lý cụm công nghiệp. Đến nay, đã thẩm định quy hoạch chi tiết 07 cụm công nghiệp.

Việc tiếp nhận dự án đầu tư thứ cấp, cơ sở sản xuất kinh doanh được thực hiện đúng quy trình, thủ tục theo quy định, cụ thể: Các dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phải thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Các dự án đầu tư của nhà đầu tư trong nước nếu có đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, đấu thầu hoặc nhận chuyển nhượng phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, nếu thuê đất của nhà đầu tư hạ tầng là doanh nghiệp, hợp tác xã không phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư (trừ trường hợp nhà đầu tư có nhu cầu); Trường hợp dự án không thuộc diện phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư: Nhà đầu tư hạ tầng có văn bản kèm theo hồ sơ đề xuất dự án của nhà đầu tư thứ cấp xin ý kiến Sở Công Thương về nội dung dự án. Trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, tùy theo quy mô, tính chất dự án, Sở Công Thương cho ý kiến hoặc xin ý kiến các sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện về nội dung dự án.

Các dự án đầu tư thu hút vào cụm công nghiệp đảm bảo đúng lĩnh vực, ngành, nghề đầu tư vào cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình được ban hành theo quyết định số830/QĐ-UBND ngày 29/3/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

 

4. Về công tác thanh tra, kiểm tra:

Thực hiện quy định tại Nghị định 66 và Nghị định số 68, Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao nhiệm vụ cụ thể về công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát cho các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tại Quyết định số 30/2021/QĐ-UBND ngày 28/12/2021. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố đã thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình triển khai, tiến độ thực hiện hạ tầng cụm công nghiệp; trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ đầu tư hạ tầng, việc chấp hành các quy định pháp luật của các cơ sở sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp như: đất đai, môi trường, tình hình sử dụng đất, tài nguyên nước; trật tự xây dựng; chấp hành quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư… Qua đó kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp.

Ngoài những mặt đạt được, việc phát triển các CCN trên địa bàn tỉnh còn có những hạn chế: Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng còn nhiều khó khăn phức tạp, nhiều dự án chậm thu hồi đất để triển khai thực hiện; Một số cụm công nghiệp quy hoạch trên cơ sở đã có các cơ sở sản xuất kinh doanh trước đây và không thu hút được nhà đầu tư hạ tầng nên khi thành lập giao cho huyện, thành phố làm chủ đầu tư, đến nay chưa đầu tư được hệ thống thu gom, xử lý chất thải, nước thải tập trung; Tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng một số cụm công nghiệp còn chậm so với quyết định phê duyệt chủ trương; một số nhà đầu tư hạ tầng có tư tưởng thu hút nhà đầu tư thứ cấp đến đâu thì đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp đến đó. Còn nhiều CCN chưa triển khai đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý chất thải, nước thải tập trung; Hiệu quả sử dụng đất và tỷ lệ lấp đầy đất công nghiệp tại một số CCN còn thấp. Một số dự án trong CCN hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp phải chuyển đổi chủ đầu tư hoặc thay đổi mục đích sử dụng đất. Vẫn còn tình trạng để đất trống, lãng phí đất và sử dụng đất không đúng mục đích; Đầu tư kết cấu hạ tầng các CCN còn chưa đồng bộ, đặc biệt là các CCN do huyện làm chủ đầu tư hạ tầng; việc đấu nối giữa các CCN với hệ thống giao thông gặp nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian, dẫn đến nguy cơ mất ATGT, ảnh hưởng đến mỹ quan...


Tác giả: Lan Anh
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết