Tích cực cải cách hành chính, chuyển đổi số, giảm thiểu chi phí tuân thủ pháp luật, góp phần giải phóng nguồn lực, đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hàn Quốc hỗ trợ dệt may Việt Nam tiếp cận công nghệ 4.0

Nhằm giúp doanh nghiệp dệt may Việt Nam tiếp cận với kỹ thuật mới trong sản xuất, ngày 9/7, tại Hà Nội, Hiệp hội Dệt may Việt Nam và Viện Kỹ thuật công nghiệp Hàn Quốc đã tổ chức Hội thảo “Sản xuất tốt hơn với kỹ thuật số trong ngành dệt may”.  

Phát biểu tại hội thảo,ông Trương Văn Cẩm - Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho hay: Quan hệ thương mại Việt Nam - Hàn Quốc tăng nhanh chóng những năm qua. Năm 2018, Việt Nam đã xuất siêu trên 29 tỷ USD sang Hàn Quốc. Trong lĩnh vực dệt may, Hàn Quốc hiện là quốc gia đầu tư lớn nhất của Việt Nam với 4,7 tỷ USD, chiếm 25% trong tỷ trọng đầu tư nước ngoài vào ngành.

han quoc ho tro det may viet nam tiep can cong nghe 40

Hàn Quốc hỗ trợ dệt may Việt Nam tiếp cận công nghệ 4.0

Đại diện Vitas cũng cho hay, với chủ đề chính là kỹ thuật số, hội thảo giới thiệu, chia sẻ kiến thức và tăng cường hợp tác trong ngành dệt may giữa Việt Nam - Hàn Quốc và các nước châu Á. Đây là chương trình đào tạo thường niên mà Viện Kỹ thuật Công nghiệp Hàn Quốc (Kitech) và Vitas phối hợp tổ chức để nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Các chuyên gia đến từ Viện Nghiên cứu kỹ thuật dệt Hàn Quốc, Tập đoàn Li&Fung, Tập đoàn CLO Visual… cũng đã chia sẻ kinh nghiệm thực tế về chuyển đổi số kỹ thuật số, đổi mới 3D, xu hướng thời trang toàn cầu…

Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) vẫn được nhắc đến với các ứng dụng phổ biến của tự động hoá, internet kết nối vạn vật, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo… đang tạo ra cả thách thức và cơ hội cho ngành dệt may. Cụ thể, việc áp dụng tự động hoá giúp giảm số lượng lao động trực tiếp, liên kết dữ liệu giữa các thiết bị sản xuất cũng giúp ngành dệt may sản xuất xanh, sạch, tiết kiệm nguồn tài nguyên tự nhiên, giảm thiểu tồn kho…

Đặc biệt, việc áp dụng công nghệ in 3D trong sản xuất cho phép tạo ra sản phẩm thoả mãn tối đa nhu cầu người dùng và giảm lãng phí cho nhà sản xuất, tăng thu nhập cho lao động kỹ thuật cao. Từ đó giúp ngành dệt may Việt Nam bứt phá, thoát ra khỏi bẫy dùng nhiều lao động nhưng lương không cao, lao động không ổn định. Đồng thời giúp các doanh nghiệp chủ động trong hoạch định chiến lược, tận dụng thành tựu của CMCN 4.0 cũng như giảm thiểu các thách thức.

Nhấn mạnh vai trò của kỹ thuật công nghệ trong sự hội nhập kinh tế quốc tế của ngành dệt may, ông Eu Joong Kim - Tham tán thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam phân tích: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) sẽ tạo ra nhiều cơ hội lớn cho ngành dệt may Việt Nam, nhất là gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Bên cạnh đó, quy định về xuất xứ cộng gộp trong EVFTA giúp sản phẩm sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu từ Hàn Quốc cũng được tính xuất xứ Việt Nam khi xuất khẩu sang EU, không chỉ mang lại thuận lợi cho dệt may Việt Nam mà còn là cơ hội hợp tác cho doanh nghiệp dệt may Hàn Quốc.

“Tôi cho rằng, để mở rộng thị trường xuất khẩu, lợi thế chi phí nhân công thấp của dệt may Việt Nam là không đủ mà còn rất cần công nghệ hiện đại nhằm theo kịp xu hướng của thế giới” - ông Eu Joong Kim nói. Chính phủ Việt Nam đã bắt đầu áp dụng CMCN 4.0 trong tất cả các ngành công nghiệp để tăng sức cạnh tranh, tuy nhiên cần có kế hoạch cụ thể để triển khai.

Theo ông Eu Joong Kim, ngành dệt may có tốc độ phát triển rất nhanh, Chính phủ Việt Nam có thể tập trung đầu tư ứng dụng công nghệ cao và Hàn Quốc với hệ thống viện nghiên cứu kỹ thuật công nghệ lâu năm có thể hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này.

Từ kinh nghiệm thực tế trong ứng dụng CMCN 4.0 trong sản xuất, ông Nguyễn Văn Sơn- Giám đốc chi nhánh thời trang- Công ty CP Đầu tư thương mại TGN chia sẻ: TNG luôn nỗ lực để đạt được năng lực sản xuất cao, ứng dụng công nghệ tiên tiến để đa dạng hoá sản phẩm với chất lượng được ưu tiên hàng đầu. TNG cũng đã được Kitech hỗ trợ đào tạo nhân lực và chuyển giao công nghệ thiết kế 3D trong lĩnh vực thời trang. Điều này đã giúp TNG đạt nhiều kết quả khả quan trong sản xuất, công ty hiện là 1 trong 10 doanh nghiệp xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất của Việt Nam.


Tác giả: Việt Nga - Hoàng Lan
Nguồn:congthuong.vn Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Chưa có thông tin